[Việt Nam] Nam Cực Tinh Huy
Lúc Ngô Thứ-sử với Đỗ-Cảnh-Thạc dắt nhau đi xem chiến trận, thì Lưu-Định cũng lần bước trở về Đại-La. Làm tướng cầm binh xuất trận, đã bị giặc bắt, sự chết đã thấy trước mặt rồi, mà may người ta không giết, lại thả cho mình trở về, thế thường ai cũng vui mừng, ai cũng bươn bả trở về cho mau, đặng vợ chồng xum-hiệp, tôi chúa đoàn viên, rồi có lo mưu khác mà rửa hờn rửa oán. Lưu-Định được phóng xả, cho ra khỏi vòng binh, mà trong bụng chẳng có chút vui mừng, lại trong trí càng thêm bối rối hơn trong lúc bị bắt đó nữa.
Trời chiều vụt tối, Đại-La thấy gần trước mặt, nếu đi săn bước thì trời chưa tối đã vào tới thành rồi. Nhưng mà Lưu-Định không chịu đi mau, cứ thơ thẩn dọc theo mé rừng, hễ đi tới một vài chục bước thì đứng lại ngó mông một hồi, đi được xa xa thì ngồi dựa gốc cây mà suy nghĩ, coi bộ não nề tư lự, dường như người không trí không hồn. Nếu trong lúc ấy ai cắc cớ nom theo rình mà coi, thì ắc thấy anh ta một lát thở dài một cái, rồi lắc đầu chắt lưỡi.
Gần hết canh một Lưu-Định mới về tới thành Đại-La, thấy cửa thành đóng chặt, mà trên địch lầu lại nghe có người nói chuyện. Lưu-Định vừa muốn kêu cửa, rồi lại suy nghĩ rằng: mình còn vào thành nữa làm gì mà kêu cửa? Tháng trước mình nghe lời người ta khuyên dụ nói rằng Kiều-công-Tiện là người nhơn từ lễ nghĩa, lại dõng lực trí tài, nên mình xuống mà đầu nó. Nay mình đã tỉnh ngộ, biết nó là đứa thất phu bất nghĩa, nay mình còn xu-phụ với nó nữa hay sao? Vậy thôi mình trở về núi mà mai danh ẩn tích, đặng cho danh tiết vẹn toàn, chớ mình biết Ngô-Quyền chơn chánh mà mình đầu không được, còn Công-Tiện gian tà mà cứ theo giúp hoài, thì ai gọi là nghĩa sĩ. Làm trai ở đời phải ghi tâm rằng nếu phải nghĩa thì ăn múi cũng vui lòng, chớ còn trái nghĩa, dầu ăn vàng cũng đừng ham.
Lưu-Định nghĩ như vậy nên day mặt trở ra mà đi. Đi được chừng ít chục bước lại nghĩ rằng: Công-Tiện nghe nói mình bị bắt, bởi vậy nếu mình bỏ đi luôn, không trở vào thành chắc là nó tưởng mình bị giặc giết rồi. Mà đứng anh hùng khứ tựu phân minh bạch. Khi mình xuống mà đầu nó rõ ràng trước mặt thiên hạ, nay nếu mình không xu-phụ với nó nữa thì mình cũng nói rõ ràng cho nó biết, chớ mình đi luôn như vầy, té ra mình trốn nó. Lưu-Định bèn trở lại kêu cửa thành, quân canh trên địch lầu trả lời rằng có lịnh dạy ban đêm không được mở cửa. Lưu-Định xưng tên chúng nó cũng không chịu mở, túng thế phải ngồi ngoài thành mà chờ đến sáng.
Qua ngày sau, mặt trời mọc, quân mở cửa thành. Lưu-Định vào gặp Kiều-Thuận thì Kiều-Thuận mừng rỡ vô cùng, hỏi thăm lăn xăn coi vì cớ nào đã bị bắt mà lại trở về được. Lưu-Định không chịu trả lời cứ nài xin dẫn vào ra mắt Công-Tiện. Khi Lưu-Định tới dinh, quân vào báo, Kiều-công-Tiện lật đật chạy ra mừng rỡ và nói rằng: “Ta vụng tính sai tướng-quân đi cướp trại mà không đề phòng, để cho tướng-quân bị bắt bởi vậy hai bữa rày ta ăn ngủ không được, tưởng là tướng-quân đã bị hại rồi. Nay tướng-quân được về đây thiệt may mắn lắm”.
Công-Tiện tưởng Lưu-Định cũng sẽ lấy lời vui vẻ mà đáp lễ, chẳng dè Lưu-Định đứng ngó trân trân, rồi thủng thẳng mà nói rằng: “Tôi tuy sanh trưởng trong chốn non cao rừng rậm, nhưng mà từ nhỏ cho tới lớn, tôi hằng giữ lòng thanh bạch, chẳng hề chịu làm những đều phi-nghĩa bất nhơn. Tôi mà bỏ chốn mao-lư xuống đây, chẳng phải tôi ham tước ham quyền, hay là ham tiền ham bạc, ấy là tôi nghĩ phận làm trai trong võ-trụ, dầu hay, dầu dở, cũng phải có công nhiều ít với non sông nên tôi mới ra làm tôi ngài. Chẳng dè ngày nay tôi mới rõ lại ngài là một người đại bất nhơn trong nước, ngài ăn cơm của Diên-Nghệ rồi ngài lại phản phúc giết người đi, bởi vậy cho nên tôi trở lại đây nói cho ngài hay rồi tôi mới trở về núi mà ở”.
Kiều-Thuận đứng gần nghe nói mấy lời như vậy thì mặt đỏ phừng phừng, chơn bước tới, tay rút gươm, muốn giết Lưu-Định. Công-Tiện lấy tay khoát Kiều-Thuận, rồi ngó Lưu-Định cười mà nói rằng: “Ờ, té ra thằng Ngô-Quyền nó đã dụ tướng-quân đầu nó rồi nó sai tướng-quân về đây mà mắng ta nữa há?” Lưu-Định cũng cười gằn mà đáp rằng: “Ngài chí khí hẹp quá, nên ngài tưởng tôi cũng như bọn tiểu nhơn-kia, rày đây mai đó, sớm đánh tối đầu. Ngài đừng có tưởng như vậy mà lầm. Không, tôi không phải như họ vậy đâu. Tôi mà trở lại đây là vì hồi tôi xuống đầu ngài thì minh bạch, bây giờ tôi trở về núi cũng muốn minh bạch, nên tôi vào tỏ lại cho ngài rồi sẽ đi. Ngô-Quyền chẳng màng gì tôi mà khuyên dụ, mà tôi cũng chẳng có đều chi hờn riêng ngài nên kiếm chuyện nói xấu cho ngài”.
Công-tiện đáp rằng: “Tướng-quân ở hay là về, ấy là tự ý tướng-quân, ta không nỡ ép. Nhưng tướng-quân chê ta là người bất nhơn, hay vong-ân bội-nghĩa, ăn cơm của Diên-Nghệ rồi phản tâm giết Diên-Nghệ nên ta phải kể rõ chuyện cho tướng-quân nghe. Ngày trước Lưu-Cung ở Nam-Hán triều sai tướng là Lý-khắc-Chánh đem binh qua đánh Giao-châu, bắt Khúc-thừa-Mỹ về Phiên-Ngung mà giết. Những nha trảo của họ Khúc ai cũng ta-nha thiết-xỉ nhưng vì thế cô lực nhược nên không biết làm sao mà báo thù. Dương-diên-Nghệ là đứa gian-hùng, thấy dân tâm như vậy mới giả mặt trung-quân ái-quốc, mượn danh báo thù cho họ Khúc, giải cứu cho quê hương, rồi chiêu tập quân sĩ mà khởi nghĩa. Ta cùng những anh hùng hào kiệt ai cũng lầm, nên theo phò tá Diên-Nghệ mới đánh đuổi bọn Lý-khắc-Chánh được. Nào dè Diên-Nghệ khôi phục giang-san được rồi, lại giành lấy ngôi Tiết-đạt-sứ mà an hưởng phú quí vinh hoa, không chịu tìm kiếm dòng họ Khúc mà tôn lên ngôi báu. Tướng-quân nghĩ lại mà coi, ta giết Dương-diên-Nghệ đó là phải nghĩa hay trái nghĩa.
- Ngài nói như vậy mà ngài giết Diên-Nghệ rồi ngài đoạt truyền Tiết-đạt-sứ chớ ngài cũng không tìm họ Khúc mà tôn, thế thì dầu Diên-Nghệ bất nghĩa, nghĩ lại ngài cũng chẳng có nghĩa.
- Ta trừ Diên-Nghệ chưa được hai tháng, mà trong nước lại sanh rối loạn, làm sao ta kiếm con cháu họ Khúc cho được.
- Tôi biết rồi! Ngài nói Diên-Nghệ giả danh trung nghĩa, nay ngài cũng giả danh trung nghĩa chớ khác gì. Cái trung nghĩa của kẻ quê mùa như tôi không hiệp với cái trung nghĩa của ngài, vậy xin ngài vui lòng để cho tôi về chốn rừng núi cho an thân, đặng ngài có thong thả kiếm tìm họ Khúc đem về mà nhường ngôi nhường chức.
Lưu-Định nói dứt lời rồi liền xá Công-tiện mà lui ra. Công-tiện đứng ngó theo mà có sắc giận. Kiều-Thuận bước lại thưa rằng: “Lưu-Định vô lễ, nói nhiều lời hỗn ẩu, mà lại khinh khi nhơn huynh. Em sợ nếu không giết người mà răng chúng thì dân tâm ắt sẽ thiên biến”. Công-tiện gặt đầu. Kiều-Thuận liền rút gươm chạy theo, gặp Lưu-Định vừa ra tới cổng thành mới kêu dứng lại, rồi nhảy tới chém nhầu không thèm nói chi hết. Lưu-Định không có khí giới trong tay, mà Kiều-Thuận lại chém thình lình quá, đỡ gạt không kịp, nên bị Kiều-Thuận giết chết, rồi cắt đầu xách trở vô dinh.
Công-tiện dạy Kiều-Thuận đem đầu của Lưu-Định bêu trước cửa thành rồi truyền hịch cho dân chúng nói dối rằng Lưu-Định làm tướng bất trung, bị giặc bắt rồi theo đầu giặc, nên phải giết mà làm gương cho quân-sĩ. Người đời sau nghe chuyện Lưu-Định là nghĩa sĩ mà bị giết thì đau lòng nên có làm thi điếu như vầy:
Anh hùng coi chết cũng như chơi,
Chỉ sợ nhơ danh hổ với đời.
Tháo cũi nhờ Quyền yêu nghĩa khí,
Đứt đầu bởi Tiện ghét ngay lời.
Sá chi tước lộc mà đeo đuổi,
Có vậy non sông mới rạng ngời.
Cái phận nam nhi là ấy thế,
Treo gương thiên cổ để soi người.
Công-Tiện giết Lưu-Định vừa xong thì quân báo có Ngô-Quyền sai sứ đem thơ đến trước thành xin vào ra mắt. Công-tiện hội văn võ bá quan lại rồi truyền lịnh cho sứ vào. Sứ đưa một bức thơ, Công-tiện mở ra xem, thì trong thơ nói đại khái như vầy:
Trong nước sơn xuyên là chí hữu, người đời trung nghĩa ấy tánh lành. Nước dầu khuynh nguy sông núi cũng vững bền, người dầu điên đảo nghĩa trung đừng xao-lảng.
Kiều-công-Tiện nhờ Dương-tiên-Công thi-ân bố-đức mới được quyền cao lộc cả, tử ấm thê vinh, lẽ thì đêm ngày phải tận tâm kiệt lực mà chống vững gian-sơn, khuôn phò Dương-thị, đặng đền bồi ơn nặng báo đáp nghĩa dày mới phải, chớ sao lại nỡ trái lòng trở mặt, âm mưu thiết kế sát hại người ơn mà cướp ngôi, làm cho trái đạo luân thường trong nước? Từ xưa đến nay hễ người bất trung thì đất trời đều ghét, kẻ bất nghĩa thì dân chúng đều hờn. Mi đã bất nghĩa mà lại bất trung, thế thì tội mi đáng phân thây muôn đoạn.
Nay ta vì lòng bá tánh nên dẫn binh các quận huyện đến đây mà vấn tội mi. Vậy mi khá bó tay rồi mở cửa thành ra mà chịu tội cho mau đặng khỏi chiến đấu làm cho sanh linh tàn hại. Nếu mi chẳng biết ăn năn tội ác, chẳng chịu thúc thủ thọ hình, thì ta sẽ đốc binh khiễn tướng đạp nát thành trì, rồi chừng ấy mi đã không khỏi bị phân thây, mà những người thân thuộc và những người xu phụ với mi lại còn phải đứt đầu hết nữa.
Ít lời cho mi rõ, hẹn ngày mai đến giờ thìn, mi phải nạp mình không được trễ hơn nữa.
Ngô-Quyền
Ký thơ
Kiều-công-Tiện đọc thơ rồi thì ngó chư tướng, và cười và nói rằng: “Ngô-Quyền thiệt là quỉ quái, đã giả nhơn nghĩa mà gạt người, rồi lại còn muốn dùng oai-thế mà hâm-dọa ta nữa. Vậy ta phải dùng nhơn nghĩa, rồi cũng phải dùng oai-thế mà đối với nó mới được”. Công-tiện nói dứt lời, liền dạy đem viết mực ra viết một bức thơ rồi sai con là Kiều-công-Hãn đem qua Phiên-Ngung mà xin Lưu-Công, cử binh tiếp cứu.
Công-Hãn vưng lịnh lãnh thơ sửa soạn đi. Công-tiện đương căn dặn phải đi cho mau, và hễ đến nơi thì phải nài xin binh tiếp cho được, thình lình vợ là Liễu-phu-nhơn ở hậu đường dở màng bước ra hỏi rằng:
- Tướng công tính sai con đi đâu đó?
- Quốc-gia hữu sự, ta đương lo tính việc cả, phu-nhơn biết gì mà hỏi?
- Thưa tướng công, phận thiếp là đà-bà, tuy thiếp không được bàn tới quốc sự, nhưng mà thiếp thường nghe nói chưởng qua đắc qua, chưởng đậu đắc đậu. Tướng-công làm tôi Dương-diên-Nghệ, tướng-công giết Diên-Nghệ mà cướp ngôi, nay Ngô-Quyền cử đại binh đến báo thù, thiếp tưởng theo lẽ trời dầu tướng-công lo mưu tính kế cho mấy đi nữa cũng không khỏi bị hại được. Tướng-công làm điều bất trung tội ác đã nhiều rồi; nay tướng-công lại tính viện binh ngoại quốc vào mà tiếp sức, thì tội tướng-công lại còn lớn hơn nữa, bởi vì dẫn cọp vào nhà không phải dễ; ví như tướng-công thắng Ngô-Quyền được thì tướng-công lại mắc tay Lưu-Cung; còn như tướng-công thua thì tướng-công chết đã đành rồi, mà còn để tiếng xấu lại đời sau nữa. Vậy thiếp xin tướng-công xét lại; theo ý thiếp chẳng có kế chi hay hơn là cầu hòa với Ngô-Quyền, rồi cắt đất chia hai đặng một người chiếm một nơi mà cai trị, làm như vậy hoặc may tướng-công mới an thân.
Kiều-công-Tiện nạt lớn lên rằng: “Đàn-bà biết gì mà nghị luận. Việc của ta thì ta tính, phu-nhơn không được xen vào”. Liễu phu-nhơn nghe lật đật lui vào hậu dinh, không dám cãi lẽ nữa. Công-Tiện dạy Công-Hãn tức tốc đem thơ qua Phiên-Ngung, rồi công nghị với chư-tướng mà viết thơ trả lưòi cho Ngô-Quyền như vầy:
Ta vẫn biết làm người phải lấy nghĩa trung làm trọng người bất trung bất nghĩa thì phải giết đặng răng dân chúng đời sau.
Dương-diên-Nghệ làm tướng cho họ Khúc mà không tận lực khuôn phò; khi Khúc-thừa-Mỹ bị Lý-khắc-Chánh đánh bắt, Diên-Nghệ không dám liều chết với Thừa-Mỹ, rồi sau lại giã dối, mượn danh báo thù cho họ Khúc mà chiêu binh mộ tướng đặng khôi phục ngôi báu, té ra dẹp loạn yên rồi, nó không chịu tìm con cháu họ Khúc mà tôn để chiếm ngôi Tiết-đạt-sứ mà an hưởng một mình. Bá tánh ai thấy vậy cũng đều ngậm oán nuốt hờn, bởi vậy cho nên ta phải vì lòng bá tánh mà giết đứa bất nghĩa bất trung, đặng giành ngôi trời lại cho con cháu họ Khúc.
Dân trong nước phải tuân theo phép nước: Mi làm Thứ-sử Ái-châu mà không lo gìn giữ biên-cương, lại muốn toan khuấy rối trong nước, nên chiêu tập côn-đồ kéo đến đây tác loạn, lẽ thì ta phải giết mi đặng răn muôn chúng. Nhưng nghĩ vì mi mới sơ-phạm lần đầu, nếu ta hẹp lượng làm tội mi thì ta mang tiếng bất nhơn. Vậy ta kỳ cho mi đến ngày mai, đúng giờ thìn, mi phải dạy quân sĩ phân-tán, ở đâu về đó, không được trì huởn. Nếu mi cãi lịnh nầy thì ta chẳng dung mi, mà những kẻ theo mi tạo phản cũng đứt đầu hết nữa.
KIỀU-CÔNG-TIỆN
Ký thơ
Công-Tiện niêm thơ lại rồi giao cho sứ của Ngô-Quyền cầm về. Sứ khỏi cửa, Công-Tiện mới hỏi chư-tướng coi định kế làm sao mà chống cự với giặc.
Bọn văn thần thì bàn phải bế thành môn cố thủ, chờ chừng nào có binh Lưu-Cung ứng tiếp tồi sẽ xuất binh; còn bọn võ tướng thì lại nài xin phải bố trận giao phuông, quyết tận lực trổ tài mà thủ thắng.
Công-Tiện còn đương dụ-dự, bỗng nghe Kiều-Thuận thưa rằng: “Hôm nọ chúng ta đánh thử với binh tướng của Ngô-Quyền một trận, thì sức chúng nó coi cũng không mạnh gì. Tối lại chúng ta đem binh cướp trại, tuy bị thua song thua đó là vì thình lình chúng ta không đề phòng, chớ không phải chúng nó tài cao chi đó. Nay nếu chúng nó kéo binh đến trước thành khêu chiến mà ta điềm nhiên không ra cự địch thì ắt chúng nó cười ta nhút-nhát. Vậy xin nhơn huynh quyết định xuất binh; chúng nó đường xa mới đến, quân sĩ đều mệt mõi, chúng ta dùng binh khỏe mà đánh với binh mệt thì có lẽ nào mà không thắng. Nói cùng mà nghe, nếu như chúng ta yếu thế có thua nó đi nữa, thì chừng ấy chúng ta sẽ bế thành cố thủ, nghĩ cũng chẳng muộn gì”.
Công-Tiện thấy Kiều-Thuận giao chiến với mấy tướng của Ngô-Quyền hôm nọ thì biết là mãnh tướng. Nay nghe nói khẳng khái như vậy nữa, thì trong bụng mừng thầm, song anh ta nghĩ cố thủ mà chờ viện binh là kế hay hơn hết bởi vậy căn dặn chư-tướng thủ thành cho cẩn thận, phải đợi chừng nào có lịnh mới được khai thành giao chiến. Chư-tướng vưng lịnh, rồi từ nhau ai về dinh nấy mà lo phòng bị.