[Việt Nam] Nam Cực Tinh Huy

Chương 32 : Sợ bất nghĩa, Nam Tấn-vương phế vị Cảm thâm tình, Ngô-Xương-Cấp hồi triều


Màu nền
Font chữ
Cỡ chữ
22px
Chiều rộng khung
100%
Dãn dòng
180%
trước

Xương-Cấp dẫn binh trở về Đằng-châu vào ra mắt Phạm-Bạch-Hổ, rồi thuật hết mọi việc trong triều lại cho Bạch-Hổ nghe, và cũng tỏ sự mình định nhường ngôi cho Xương-Văn. Bạch-Hổ khen Xương-Cấp có tình thương em mà lại có khiếu quân tử, song nghĩ em xưng vương, anh xưng thần thì trái luân-lý, sợ dân tâm xao động, nên khuyên Xương-Cấp hãy về kinh mà kế vị cho Ngô-vương, chẳng nên dần dà ở ngoài ải. Xương-Cấp đáp rằng: “Tuy mấy năm nay tôi tận tâm lo phục nghiệp, song vì trời khiến cho em tôi thành công, nếu tôi về triều mà giành ngôi của em tôi thì tôi trái ý trời đất. Tướng quân có lòng giùm giúp tôi thì tôi cảm ơn, mà ơn ấy để kiếp sau tôi sẽ tài bồi, chớ kiếp nầy chắc là tôi không đền đáp được.” Xương-Cấp giao hết mấy ngàn binh lại cho Bạch-Hổ, tính dắt Kiên-Trinh và Lữ-hà-Mai lên núi Trà-Hương mai danh ẩn tích và vui thú lâm-sơn. Xương-Cấp kêu Sầm-Bích mà nói rằng: “Mấy năm nay tướng-quân theo ta gian-nan đáo để, lao khổ vô cùng. Vả tướng-quân là đứng anh hùng, vậy tướng-quân phải lo lập công danh, trước hiển đạt tông môn, sau giữ gìn võ trụ. Nay em ta đã làm vua rồi vậy để ta viết một bức thơ cho tướng quân cầm về triều và dẫn hết môn đệ theo đặng nó xét công lao của tướng-quân mà gia phong quyền tước cho tướng quân và mấy người môn-đệ”. Sầm-Bích cùng cả bọn dân làng Thường-Phú nghe mấy lời thảy đều động lòng rơi lụy, ai cũng quyết theo Xương-Cấp mà thôi chớ không chịu tách đi về triều đặng hưởng vinh-hoa phú-qúy. Xương-Cấp thấy tình dan-díu cũng động lòng, nên giã từ Bạch-Hổ rồi dắt Sầm-Bích, Kiên-Trinh cùng hết thảy bọn dân Thường-Phú lên núi Trà-Hương. Bạch-Hổ đã cạn lời can-gián mà không được, nên phải lau giọt lụy đưa Xương-Cấp ra khỏi cửa thành. Xương-Cấp lên núi Trà-Hương, bèn dạy thủ hạ đốn cây lượm lá đặng tu bổ trại lên ngày trước lại mà ở. Rồi đó bọn thủ hạ phân nhau, kẻ đi săn, người cày ruộng, kẻ cuốc đất, người trồng dưa. Xương-Cấp với Kiên-Trinh cũng đội nón lá, mặc áo vải đi tỉa đậu trồng khoai như mấy người dân làng kia vậy. Người ngoài nếu ai lạc bước vào núi Trà-Hương thấy công cuộc nầy, dầu mắt ngọc đi nữa cũng không dè kẻ anh hùng người nghĩa sĩ, kẻ tiết liệt, người mình rồng mà đành chôn thân danh nơi chốn thâm-sơn, không chịu dựa bệ vàng đặng hưởng mùi phú qúy. Sự Xương-Cấp ẩn-dật nơi núi Trà-Hương đã yên rồi, vậy phải nhắc qua sự Xương-Văn đương ở tại kinh đô mà trông tin Nhứt-Điện. Xương-Văn sai Kiết-Lợi dẫn binh đi tiếp chiến và rước Xương-Cấp rồi, thì ngày đêm đợi trông ăn nằm không được, vì anh em cách mặt đã trót 5 năm nên muốn tương hội cho mau đặng phỉ tình hoài-vọng. Dương-kiết-Lợi dẫn binh trở về kinh đô vào chầu Nam-Tấn-vương mà tâu rằng: Nhứt-Điện đã lui binh về Đằng-châu, không chịu nhập triều. Nam-Tấn-vương nghe rõ anh không chịu về triều thì trong lòng lấy làm buồn bực, bèn quở trách Kiết-Lợi hoặc tỏ lời vô ý làm cho Nhứt-Điện phiền lòng hoặc năn nỉ không tận tâm nên Nhứt-Điện mới trở bước. Kiết-Lợi mới đem hết mọi việc, gặp Nhứt-Điện chỗ nào, nói với Nhứt-Điện lời chi, rồi Nhứt-Điện đối đáp lẽ nào mà tâu rõ ràng lại cho Nam-Tấn-vương nghe. Nam-Tấn-vương nghe rõ đầu đuôi rồi thì rơi lụy, chân bước xuống ngai mà phán rằng: “Ta biết rồi, tại ta nghe lời bá quan mà xưng vương tức-vị, nên Nhứt-Điện mới phiền, không chịu về triều. Ta lỗi với Nhứt-Điện nhiều lắm, vậy ta phải đích thân đi tìm Nhứt-Điện mà chịu lỗi rồi rước Nhứt-Điện về mà đặt lên ngôi cửu ngũ mới phải, chớ anh ta mà hờn ta thì ta ngồi ngôi quốc vương cũng chẳng vui gì. Vậy xin bá quan bỉnh quyền nhiếp-chánh thế cho ta, đặng ta có đi tìm Nhứt-Điện.” Bá quan nghe mấy lời thì chưng hửng đứng nhìn nhau không tâu chi được. Giang-Hoài-Nhơn thấy tình thảo thuận của Nam-Tấn-vương thì cũng cảm động, song gượng gạo quì trước điện mà tâu rằng: “Lúc nầy là lúc vừa mới oán cựu nghinh tân, dân tâm chưa an, quốc chánh chưa định, nếu Bệ-hạ bỏ ngai-vàng mà đi tìm Nhứt-Điện, hạ thần e chừng Bệ-hạ tìm được Nhứt-Điện rồi thì không còn ngai mà tôn. Vậy hạ thần xin Bê-hạ hãy yên lòng mà chấp chánh bỉnh quyền, để cho hạ thần thay mặt đi tìm thế cho Bệ-hạ. Hạ thần đối với Nhứt-Điện tuy nay là quân thần, song xưa có tình sư-đệ, hạ thần phân thì chắc Nhứt-Điện xiêu lòng.” Nam-Tấn-vương dụ dự một hồi rồi lau mặt nước mắt mà phán rằng: “Nếu khanh đi thì xin khanh hảy hết lòng. Ta nói thiệt, nếu Nhứt-Điện hờn ta mà không chịu về triều đặng anh em gặp nhau, thì ta nguyện ta cũng bỏ cái ngôi báu nầy, chớ ta không chịu vì ngôi ấy mà chia lìa cốt nhục”. Nam-Tấn-vương lại cậy Dương-kiết-Lợi đem xe giá lên chùa Thanh-Tâm-Tự mà nghinh tiếp Dương Thái-Hậu về triều. Hoài-Nhơn với Kiết-Lợi phụng mạng ra đi. Hoài-Nhơn xuống tới Đằng-châu dạy quân vào thưa với Phạm-Bạch-Hổ rằng có quan Ngự-sử tại triều đến xin ra mắt ngài mà tỏ việc mật-nhiệm. Quân nghe lời lật-đật vào báo, Bạch-Hổ tuy không biết Hoài-Nhơn là ai, song nghe nói muốn tỏ mật sự thì sợ trong triều có nội biến, nên lật-đật cho tiếp Hoài-Nhơn vào. Từ khi Xương-Cấp dẫn binh trở về Đằng-châu thuật việc Xương-Văn đã phục-nghiệp và đã xưng hiệu Nam-Tấn-vương thì Bạch-Hổ có ý trách Xương-Văn sao không chờ anh về đặng tôn anh lên ngôi cho hiệp-nghĩa, lại tự xưng vương hiệu mà đoạt ngôi của anh. Nay nghe lời Hoài-Nhơn tỏ lại rằng vì dân tâm náo động, bá quan sợ loạn nên mới ép Xương-Văn lên ngôi. Tuy Xương-Văn làm vua song làm tạm đặng chờ rước Xương-Cấp về mà thôi chớ không có ý đoạt ngôi. Xương-Văn nghe Xương-Cấp không chịu về thì khóc vùi, quyết bỏ ngôi đi tìm, nên Hoài-Nhơn phải lướt dặm đến Đằng-châu, xin Bạch-Hổ chỉ giùm coi Xương-Cấp trú ngụ nơi nào đặng tìm đến mà nghinh tiếp về triều cho Xương-Văn giao quyền cả. Bạch-Hổ rõ tình Xương-Văn rồi thì tận tâm kính phục, liền dạy Lương-Chánh-Tôn dắt Hoài-Nhơn lên núi Trà-Hương mà tìm Thái-tử. Lý-Hữu-Dư đương cuốc đất trồng khoai dưới núi thấy Chánh-Tôn dẫn một người lạ mặt lại có vài mươi quân tùy tùng, không biết có việc chi, lật đật quăng cuốc chạy riết lên núi mà tỏ lại cho Thái-tử hay trước. Vả núi Trà-Hương không cao cho lắm, nhưng đường lên quanh co hiểm trở nên đi lâu. Xương-Cấp nghe Hữu-Dư báo, liền sai Sầm-Bích ra đứng núp bụi cây mà dòm xuống coi Chánh-Tôn đi với ai. Sầm-Bích coi rõ là Giang-Hoài-Nhơn, rồi mới trở vào trại phân lại cho Xương-Cấp hay, Xương-Cấp nói rằng: “Chắc em ta lại cậy Hoài-Nhơn lên rước ta về nữa. Vậy tướng-quân hãy tiếp rước Hoài-Nhơn, để cho ta ẩn mặt, chớ Hoài-Nhơn với ta có tình sư-đệ, nếu cho gặp mặt, ta chối từ cũng khó, mà vâng lời cũng không nên.” Xương-Cấp nói dứt lời liền bỏ đi vòng ra sau trại, rồi leo riết lên đảnh mà trốn. Hoài-Nhơn với Chánh-Tôn lên tới, Sầm-Bích ra tiếp rước, gặp Hoài-Nhơn mừng rỡ hết sức, Sầm-Bích kể hết mọi hoạn-nạn lại cho Hoài-Nhơn nghe rồi Hoài-Nhơn cũng tỏ hết các việc trong triều lại cho Sầm-Bích hiểu. Hoài-Nhơn hỏi thăm Thái-tử và thuật việc Xương-Văn sai mình đi tiếp rước về triều, Sầm-Bích nói rằng: “Thái-tử đã nhứt định không dự quốc-chánh, nên đã ẩn mặt, không muốn gặp vương-sứ. Hoài-Nhơn ngước mặt lên trời mà than rằng: “Cuộc vinh hoa phú quí người đời ai cũng chuộng, mà hai Hoàng-tử thâu phục cơ-nghiệp của tiên-vương được rồi, em lại quyết nhường cho anh, anh cũng quyết nhường cho em, không ai chịu hưởng, tình thảo thuận như vầy xưa nay dễ có mấy ai! Nếu ta trở về triều mà không có Nhứt-Điện thì ta biết lấy lời chi mà khuyên giải Nam-Tấn-vương cho được”. Hoài-Nhơn than thở rồi cậy Sầm-Bích dắt đi tìm Xương-Cấp, Sầm-Bích cầm lòng không đậu nên phải trái lịnh Xương-Cấp mà dắt Hoài-Nhơn leo lên đảnh. Chẳng dè lên đến đó thì Thái-tử đã đi đâu mất, tìm kiếm hết sức không ra. Sầm-Bích sợ ác thú làm hại Thái-tử nên kêu hết môn-đệ mà biểu đi tìm. Môn-đệ tụ đủ mặt duy thiếu một mình Sài-Tấn, không ai biết đi đâu mà chỉ. Sầm-Bích dắt Hoài-Nhơn đi giáp vòng núi, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau mà không thấy mặt. Kiên-Trinh cũng lo sợ nên đốc Sầm-Bích càn núi mà tìm nữa. Chẳng dè, qua ngày sau, Sài-Tấn đem một bức thơ về trại mà trao cho Sầm-Bích. Thơ ấy là thơ của Xương-Cấp gởi cho Hoài-Nhơn khuyên Hoài-Nhơn hãy về triều phò tá Xương-Văn mà trị an thiên hạ. Xương-Cấp đã nhứt định nhường ngôi báu cho em, vì nó đã có công phục-nghiệp, đừng có tìm kiếm nữa vô ích. Hoài-Nhơn đọc thơ động lòng giọt lụy tuôn dầm-dề, không biết nói sao nữa được nên phải từ biệt Sầm-Bích, rồi theo Chánh-Tôn xuống núi mà về. Dương-Kiết-Lợi lên Thanh-Tâm-Tự nghinh tiếp Dương Thái-Hậu, thì Thái-hậu không chịu về, nói rằng chồng chết mình không bảo bọc con được, để cho em cướp ngôi của con đi, bây giờ con phục nghiệp được, về thấy con càng thêm hổ thẹn. Nam-Tấn-vương rước Thái-hậu không được, đương buồn rầu, kế Hoài-Nhơn về triều tâu sự Xương-Cấp trốn lánh không chịu ra mặt thì Nam-Tấn-vương càng đau lòng xót dạ, nên ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Kiếp trước ta có tội gì, mà trời đất khiến cho ta khổ não đến thế nầy! Ta thâu phục cơ nghiệp của tiên vương lại được, tưởng là may, té ra mẹ không thương, anh không tưởng, thế thì ta làm vua với ai mà ham.” Nam-Tấn-vương ra chánh-điện, đòi bá quan văn võ vào chầu đủ mặt mà phán rằng: “Trong cơn náo động bá quan muốn cho ta bình định dân tâm nên tôn ta lên ngôi quốc-vương. Ta không cạn xét, tạm lãnh cầm quyền, làm cho Nhứt-Điện phiền, Thái hậu giận, nên không chịu về triều. Phận ta là con em, nếu để mẹ giận thì ta thất hiếu, để anh hờn thì ta thất kỉnh, người thất hiếu thất kỉnh chưa đáng làm dân, có đâu lại được làm vua. Vậy ta quyết mặc áo bô quần vải lên núi Trà-Hương mà tạ tội với Nhứt-Điện rồi rước Nhứt-Điện về nối ngôi cho tiên-vương mà trị an thiên hạ. Nhứt-Điện về triều rồi ta sẽ lên Thanh-Tâm-Tự mà thọ tội với Thái-hậu nữa. Ta xin Dương, Đỗ, nhị quốc-công tạm chấp chánh binh quyền thế cho ta, đặng ta rảnh mà đi rước Nhứt-Điện.” Nam-Tấn-vương phân dứt lời, liền cởi áo mão để trên ngai vàng. Bá quan can gián hết sức không được, túng thế mới hội nghị rồi sai Giang-Hoài-Nhơn với Lữ-Đường dẫn 500 binh theo hộ giá, còn việc quốc chánh thì giao ho Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi bỉnh cáng. Xuống tới Đằng-châu, Nam-Tấn-vương muốn đi thẳng lên núi Trà-Hương. Hoài-Nhơn can gián nói rằng: “Nếu đi thẳng lên đó e sợ Nhứt-Điện ẩn mặt nữa, chi bằng vào thành Đằng-châu bàn tính với Bạch-Hổ coi dùng chước gì mà găp Nhứt-Điện cho được. Nam-Tấn-vương nghe lời hửu lý nên ghé thành Đằng-châu. Phạm-bạch-Hổ nghe tin liền dẫn Lương-chánh-Tôn ra ngoài thành nghinh tiếp. Bạch-Hổ thấy Nam-Tấn-vương mặc áo bô quần vải thì trong lòng cảm động, mới tính để viết thơ rồi sai quân lên mời Thái-tử Xương-Cấp xuống thành, Thái-tử không dè đi xuống, tự nhiên anh em gặp nhau. Nam-Tấn-vương lắc đầu can rằng: “Nhứt-Điện thấy Hoài-Nhơn lên núi hôm nọ thì biết ý ta muốn nghinh tiếp rồi. Nếu tướng quân viết thơ mời, sợ Nhứt-Điện sanh nghi không chịu xuống. Mà ta đi đây là đi thọ tội, vậy ta phải bổn thân tìm lên núi chớ không lẽ ta để cho Nhứt-Điện đi xuống đây.” Bạch-Hổ phân rằng sợ đi lên núi, Nhứt-Điện dòm thấy rồi ẩn mặt nữa thì làm sao mà gặp được. Nam-Tấn-vương đáp rằng: “Nếu Nhứt-Điện ẩn mặt thì ta ở luôn trên núi mà chờ cho gặp, thà là ta bỏ ngôi chớ ta không đành bỏ anh.” Bạch-Hổ nghe lời quyết đoán là tại hiếu-nghĩa, trong lòng lấy làm kính phục, mới khuyên Nam-Tấn-vương thừa lúc ban đêm lén đi lên núi rồi kiếm bụi rậm mà núp, chờ Xương-Cấp đi ra thì nhảy ra mà chào, làm như vậy Xương-Cấp hết thế ẩn mặt được. Nam-Tấn-vương y kế, qua bữa sau để Lữ-Đường với quân lính ở lại thành Đằng-châu, rồi cỡi ngựa đi với Hoài-Nhơn mà lên núi Trà-Hương không cho ai theo nữa hết. Đi gần đến núi, hai người buộc ngựa ngồi dựa mé rừng mà nghỉ, chờ trời tối rồi mới đi bộ lên núi. Đến đầu canh tư hai người lên tới trại của Xương-Cấp. Nam-Tấn-vương thấy trước trại phía bên tả có một lùn cây sum sê thạnh mậu, mới dắt Hoài-Nhơn vào đó mà núp. Trong mấy trại người ngủ im lìm, chỉ trên nhành cây gió thổi nhánh rung, với trong bụi cỏ dế ngâm véo vắc. Trời vừa rựng sáng, bỗng thấy Nhứt-Điện vai vác một cái cuốc, ở trong trại giữa đi ra, sau lưng lại có một nàng mỹ-nữ đi theo, tay bưng một cái thúng, đi gần tới bụi rậm là chỗ Nam-Tấn-vương với Hoài-Nhơn núp đó, Nhứt-Điện mới lum khum cuốc đất, còn nàng mỹ-nữ ấy ngồi một bên mà coi. Hễ cuốc được một đường thì nàng bốc hột bắp đựng trong thúng mà rải dài theo đường ấy, trai cuốc mà sắc không mệt, gái gieo mà bộ nhắm hửu tình. Nam-Tấn-vương ngồi trong bụi lén dòm, không biết nàng mỹ-nữ ấy là ai, song thấy tình dan díu, cảnh an nhàn thì nói thầm trong trí rằng: “Hay là Nhứt-Điện gặp tiên nên mới lánh tục.” Nam-Tấn-vương ngồi nhìn trân trối, tình thương anh lai-láng, lòng cám cảnh ngậm ngùi, quên chuyện mình quyết đi tìm mà rước anh về làm vua, đến nỗi Hoài-Nhơn sợ mất cơ hội tốt, phải lấy tay vỗ vai rồi chỉ Xương-Cấp, Nam-Tấn-vương lai-tỉnh mới chịu lén vạch lá bò lần ra. Xương-Cấp mắc lui cui cuốc đất, lại bụi rậm ở phía sau lưng, nên không thấy chi hết. Nam-Tấn-vương với Hoài-Nhơn vừa ra khỏi bụi thì nàng mỹ-nữ ấy, là Lữ Kiên-Trinh ngó thấy liền hô lớn lên rằng: “Điện-hạ có hai người nào lạ mặt đây! Xương-Cấp chưa kịp day lại thì Nam-Tấn-vương đã chạy lại nắm tay, rồi nhìn anh mà khóc; Xương-Cấp cũng ngó em khóc òa, không kịp tính trốn lánh đi đâu nữa. Kiên-Trinh không hiểu là ai nên đứng ngó trân trân, Giang-Hoài-Nhơn muốn để cho anh em bày tình dan díu, nên đi dang ra xa không nói chi hết. Anh em khóc một hồi rồi Nam-Tấn-vương mới nói rằng: “Em tức vị xưng vương ấy là vì nghe lời quần thần quyền đỡ đặng an lòng bá tánh mà chờ rước anh về, chớ em có bụng nào đoạt ngôi của anh đâu mà anh hờn giận. Tuy vậy mà em cũng nhận việc em làm đó là phi nghĩa, nên bỏ ngôi đến đây mà thọ tội với anh. Xin anh nghĩ công nghiệp của phụ vương mà thứ tội cho em rồi theo em về triều đặng kế vị cho phụ-vương mà trị an trăm họ.” Xương-Cấp lắc đầu đáp rằng: “Em lầm rồi! Em xưng vương là hiệp ý lắm, có chỗ nào bất nghĩa mà anh giận. Từ ngày phụ-vương thăng-hà cơ nghiệp tan tành, anh em rời rã, ai có công khôi phục giang sơn, mà rửa hờn cho trung thần, báo hiếu cho cha mẹ, thì người ấy làm vua. Trời giúp vận cho em thành công thì lý tự-nhiên em làm vua, chớ anh về mà giành với em như vậy sao phải. Anh mai danh ẩn tích nơi chốn thâm-sơn chẳng phải anh hờn giận chi em, ấy là anh muốn để ngôi cho em ngồi, đặng hiệp lòng trời, phỉ dạ người đó mà thôi. Vậy anh khuyên em hãy về triều mà lo nối cơ nghiệp cho phụ vương, đừng quyến luyến theo anh mà bại sự.” Nam-Tấn-vương khóc rống lên, nói rằng: nếu anh không chịu về thì mình cũng bỏ ngôi mà ở đây với anh, chớ không nỡ làm vua mà xa anh lìa mẹ. Sầm-Bích cùng mấy người đệ-tử nghe lộn-xộn nên trong trại lật đật chạy ra, ngó thấy Nam-Tấn-vương cùng Hoài-Nhơn thì cung tay làm lễ rồi mời hết vào trại. Nam-Tấn-vương với Hoài-Nhơn theo năn nỉ hoài, Sầm-Bích và Hà-Mai thấy vậy động lòng nên cũng giúp mà khuyên lơn nói riết Xương-Cấp cầm lòng không đậu, nên mới chịu theo em mà về triều. Nam-Tấn-vương được lời thì mừng rỡ chẳng xiết, bèn hỏi nàng mỹ-nữ mình thấy hồi sớm mai đó là ai, Xương-Cấp đáp rằng: “Khi anh tỵ nạn đến Thường-Phú thôn, ở đậu tại nhà nàng rủi lâm bịnh trọng nhờ nàng nuôi dưỡng nên mới lành bịnh được. Anh cảm tình nên đã hứa hôn cùng nàng, đợi ngày nào thâu phục được giang-sơn, anh thưa lại với Thái-hậu rồi sẽ động phòng hoa chúc” Nam-Tấn-vương nghe nói liền xin mời Kiên-Trinh ra cho mình làm lễ. Việc rồi hai anh em mới thuật chuyện tân-khổ của nhau lại cho nhau nghe, nói tới buồn thì khóc, nói đến hồi vui thì cười, coi bộ thương yêu nhau cũng như hồi còn nhỏ. Qua ngày sau Xương-Cấp bỏ trại lều, khoai bắp, dắt hết cả bọn đi theo Nam-Tấn-vương mà xuống núi, xuống đến thành Đằng-châu, Bạch-Hổ, Lữ-Đường, Chánh-Tôn ra cửa nghinh tiếp vào yến ẩm vui chơi, rồi Lữ-Đường với Sầm-Bích dẫn binh hộ giá về Cổ-Loa thành. Giang-Hoài-Nhơn về trước báo tin cho triều đình hay. Bá quan văn võ nghe Nam-Tấn-vương rước Nhứt-Điện về gần tới, thì dắt nhau ra ngoài thành mười dặm mà nghinh tiếp. Về đến triều hai anh em không tính tới việc tôn vương lại lo dắt nhau lên Thanh-Tâm-Tự mà rước Thái-hậu. Dương Thái-hậu nghe hai con sum-hiệp mà lại khôi phục giang-sơn, rồi lên chùa mà rước, thì mừng rỡ hết sức, song mắt mù quáng không thấy được mặt con, chỉ ôm con mà khóc. Hai Hoàng-tử cũng khóc và khuyên Thái-hậu theo về triều. Thái-hậu nói rằng: em làm đều bất nghĩa mình can không được, bây giờ con đã phục nghiệp rồi, tuy vui mà cũng hổ thầm, nên nguyện ở luôn trên chùa mà niệm Phật, không muốn vào cung nữa. Hai Hoàng-tử khóc lóc năn-nỉ quá, nói làm vua mà xa mẹ thì làm vua cũng chẳng ích gì, lại hứa sẽ cất chùa trong thành cho mẹ niệm hương tiện bước. Thái-hậu bất đắc dĩ phãi vừa lòng con mà về. Về đến triều quần thần xin hãy làm lễ tôn vương đặng có truyền hịch cho chư trấn. Xương-Cấp không chịu làm vua, cứ nhường ngôi cho em, mà Xương-Văn cũng không chịu lên ngôi, cứ nhường lại cho anh, kẻ lấy cớ trưởng nam kế nghiệp, người lấy cớ phục-nghiệp thành công, hai anh em nhường cho nhau hoài. Dương-Thái-hậu không biết liệu lẽ nào, mới bày kế để giải lòng nghi kị của hai con, nên hội đủ mặt đình thần rồi phán rằng: “Nhà Ngô đã mất cơ nghiệp rồi, may nhờ sức bá quan vừa giúp nên mới thâu phục giang-sơn lại được. Nay hai Hoàng-tử cứ nhường ngôi cho nhau hoài, Nhứt-Điện nói nghe nhầm lý, mà Nhị-Điện nói nghe cũng phải nghĩa. Vả ngày trước tiên-vương đã nhứt định truyền ngôi cho Nhứt-Điện, vậy thì Nhứt-Điện phải noi tiên-vương mà lên ngôi. Song cái ngôi nầy đã mất rồi, may nhờ có sức Nhị-Điện mới thâu phục lại. Người có lời di chiếu, kẻ có sức thâu hồi, hai người cũng đều làm vua được hết. Vậy ta định cho hai Hoàng-tử phải lên ngôi hết cả hai, rồi chung lo với nhau mà bảo thủ sơn hà, sửa sang cơ nghiệp. Ý ta định như vậy, bá quan công nghị thử coi có nên chăng?” Quần thần thấy hai Hoàng-tử vì tình vì nghĩa mà nhường ngôi cho nhau thì thảy đều kính phục, bởi vậy nghe Thái-hậu phân mấy lời ai cũng vui mừng nên áp quì trước sân chầu mà vưng lịnh. Hai Hoàng-tử nghe Thái-hậu phán-đoán không dám cãi lời, lại thấy quần thần thuận tùng không nỡ trái ý, nên mới chịu lên ngôi. Nhứt-Điện mới nhơn dịp ấy mới qùy mà tâu cho Thái-hậu rõ sự mình xiêu-lạc đến Thường-Phú thôn đã có hứa hôn cùng Lữ-kiên-Trinh, rồi từ ấy cực khổ cũng nhờ nhau, hoạn nạn cũng theo nhau, tuy Kiên-Trinh là gái thôn quê, song lòng tiết nghĩa, chí phò nguy dầu gái công hầu tưởng cũng không sánh kịp. Thái-hậu nghe tâu trong lòng lấy làm mừng rỡ, bèn truyền lịnh cho Lữ-kiên-Trinh vào bái yết. Bá quan thấy Kiên-Trinh y phục tầm thường mà dung nhan tợ tiên-nga ai cũng đều khen ngợi. Kiên-Trinh bái yết Thái-Hậu rồi đi theo Thái-Hậu vào cung. Quần thần chọn ngày tốt cho hai Hoàng-tử tức vị xưng vương. Xương-Cấp xưng hiệu là Thiên-sách-vương, còn Xương-Văn để hiệu cũ là Nam-Tấn-vương, làm hai cái ngai vàng để giữa chánh điện. Hễ khi đại triều thì Thiên-sách-vương ngồi bên tay mặt, còn Nam-Tấn-vương ngồi bên tay trái. Hai vua làm lễ cúng tế trời đất và vào Thái miếu cúng tế tổ tiên rồi lâm đại triều cho quần thần làm lễ bái yết. Hai vua nghĩ tình Bình-Vương là mẫu cựu không nỡ xử trảm, nên xá tội, song giáng chức cho làm Trương-dương-công. Triệu-Hùng làm tướng bất trung mà khi dẫn ra giữa triều nghị tội lại lạy hai vua mà xin nhiêu mạng. Hai vua nghĩ vì người đã bất trung mà lại bất dõng, dầu sống cũng chẳng ích gì, nên hạ lịnh đem ra pháp trường xử trảm. Bá quan không ai can giáng một lời chi hết. Còn Mã-Chiêu khi dẫn ra, Sầm-Bích thấy tướng mạo giống mình như khuông đúc, thì kêu môn-đệ mà hỏi nhỏ rằng: “Mã-Chiêu hình dạng giống ta thiệt, hèn chi Phạm-tướng quân ngày trước nhìn lầm cũng phải” Thiên-sách-vương nghe tên Mã-Chiêu liền nhớ sự nó ám hại Bạch-Hổ làm cho Sầm-Bích phải bị bắt thì nổi giận nên truyền lịnh đem chém. Mã-Chiêu sắc mặt như thường chẳng có chút chi sợ sệt. Nam-Tấn-vương thấy bèn can Thiên-sách-vương rằng: “Đả biết Mã-Chiêu có tội, nhưng mà nó thiệt là dõng-sĩ, làm tôi Bình-Vương thì hết lòng phò chúa, trước đã liều thân cứu chúa, nay thấy chết mà không buồn. Người như vậy cũng đáng khen, vậy xin vương huynh phóng xả đặng tỏ lòng yêu kẻ trung nghĩa”. Thiên-sách-vương nhậm lời nên phóng xả Mã-Chiêu cho về làm dân. Định tội xong rồi hai vua mới nghị thưởng công. Thiên-sách-vương phong cho Lữ-kiên-Trinh làm chức vương-hậu, phong cho Sầm-Bích làm chức đại tướng quân lãnh quản suất thành đô chư dinh, phong cho Hà-Mai với Hà-Liễu làm chức Đô-úy, phong cho Đào-Quan, Sài-Tấn, Huỳnh-Kiệm, Mai-tử-Phục, Lý-hữu-Dư, Lê-Khương và Hồ-Lũy làm chức tổng binh, phong cho Giang-Hoài-Nhơn Giáng-nghị đại-phu, còn bá quan văn võ khác mỗi người đều được thăng lên một cấp hết thảy. Quần thần đều quì bái mạng tạ ơn, rồi Lữ-Đường, Lý-Khuê với Thủ-Thiệp dẫn binh ai lui về trấn nấy. Hai vua lo cất tại trong thành một cảnh chùa rất xinh đẹp, rồi đúc Phật rước hòa thượng vào ở đặng cho Thái-hậu niệm hương cho tiện. Thiên-sách-vương nhờ tình dân làng Thường-Phú hậu đãi mình khi trước, nên định miễn sưu thuế cho dân làng ấy, lại sai người đem vàng bạc lên mà tu bổ chùa Linh-Sơn cho tử tế. Nước An nam khai sáng đã hơn ba ngàn năm trước, nhưng mà đến nhà Ngô mới thấy người trong nước được lên ngôi quốc-vương. Người viết truyện đến đây thì phải dứt, song trong lòng còn cảm-xúc, nên đề thêm một bài thi sau nầy: Trời Nam sao chói rạng đêm xuân, Hết vận bỉ rồi tới vận hưng. Tôi chúa tái bồi nền võ-trụ, Quan dân se chấp mối kinh-luân. Trai không để hổ râu mày phận, Gái cũng lo đòi tiết liệt thân. Hiếu để trung trinh đà vẹn vẻ, Nước non vững đặt nghĩ thêm mừng