[Việt Nam] Nam Cực Tinh Huy
Tài sản của một người thường, rủi gặp vận hội chẳng may phải tiêu tán hết, nếu muốn gầy dựng lại thì phải lao tâm khổ lực lắm, mà nhiều khi cũng không thành công thay; huống chi là cơ-nghiệp của một nhà vua, nếu vụng tính để cho người khác thâu đoạt đi rồi có dễ gì mà mong khôi phục lại được.
Thái-tử Xương-Cấp há lại không biết như vậy hay sao? Nhưng vì lòng ức-uất không làm ngơ cho đặng, nên dầu sự nghiệp chỉ còn hai bàn tay không, kẻ phò tá chỉ còn có một mình Sầm-Bích, mà Xương-Cấp không thối chí, cử chỉ như vậy nghĩ cũng đáng khen.
Mà chuyện Xương-Cấp đi lo phục nghiệp nầy còn dong-dài trắc-trở lắm; vậy để sau sẽ thuật tiếp. Bây giờ nói qua việc trong triều coi từ khi Bình-vương lên ngôi chư trấn động tịnh thể nào.
Bình-vương bắt được có một mình Xương-Văn mà thôi, còn Xương-Cấp thoát khỏi, sợ e Xương-Cấp cậy binh chư trấn về đánh báo thù, nên hỏi Đỗ-cảnh-Thạc coi phải dùng chước chi mà dụ lòng chư trấn. Đỗ-cảnh-Thạc tâu rằng: “Muôn tâu Bệ-hạ, chư công ở các trấn thảy đều là nha-trảo của Ngô tiên-vương. Theo ý của ngu thần thì chẳng cần đợi Xương-Cấp đến ai-cầu, hễ chư trấn mà nghe Bệ-hạ lên ngôi tự nhiên nghịch hết. Nay Bệ-hạ muốn an lòng chư trấn thì xin Bệ-hạ giáng chỉ nói rằng: vưng lời tiên-vương di-chúc nên Bệ-hạ phải cầm quyền nhíp-chánh thế cho hoàng Thái-tử đỡ một đôi năm, đợi Thái-tử lớn khôn thì Bệ-hạ sẽ nhường ngôi lại cho Thái-tử.
Sách có chữ: vạn sự khởi đầu nan. Lúc Bệ-hạ mới tức vị đây là lúc khó, vậy phải dùng chước ấy mà an lòng dân chúng cho khỏi sanh rối loạn, hễ lòng dân chúng an rồi, thì Bệ-hạ thi ân bố đức mà thâu phục lần lần, trong một vài năm chư trấn nguôi-ngoai, dầu có ai muốn phản nghịch cũng khó mà dấy động.”
Bình-vương nghe tâu như vậy, ngồi suy nghĩ một hồi phán rằng: “Lời khanh tâu thiệt là vàng ngọc. Nhưng mà trẩm nghĩ nếu hạ chỉ nói rằng trẩm nhiếp chánh đỡ một vài năm thì sợ e ngày sau Xương-Cấp về đòi ngôi, trẩm biết lấy chi mà đối đáp. Nếu trẩm kháng cự thì trẩm mang tiếng thất ước, rồi Xương-Cấp cậy chư trấn hưng binh phục nghiệp, nó xuất binh lại còn có danh hơn bây giờ nữa”.
Bình-vương không nghe lời Cảnh-Thạc, bèn hạ chỉ cho chư trấn nói rằng Ngô-vương di-chúc dạy mình phải nối ngôi, và khuyên chư trấn mỗi năm về triều-yết đặng dưng lễ cống.
Lữ-Đường, trấn Tế-Giang tiếp chiếu của vua, hay Ngô-vương thăng-hà thì thương tiếc nên ngã lăn ra mà khóc. Người than khóc một hồi nghĩ rằng Ngô-vương có hai hoàng-tử, lại đã lập Xương-Cấp làm Thái-tử, và Xương-Cấp nay tuổi đã lớn rồi, vì cớ nào không truyền ngôi cho con lại nhường cho Tam-Ca. Nghĩ như vậy nên sanh nghi trong lòng, bèn day lại hỏi sứ coi thiệt Ngô-vương có di-chúc nhường ngôi cho Tam-Ca hay là Tam-Ca bày mưu mà soán cơ nghiệp của nhà Ngô. Người đi sứ ú ớ không dám nói. Lữ-Đường phát nộ nạt lớn lên rằng: “Nếu ông không chịu nói thì ta chém đầu”. Người đi sứ kinh hãi, liền qùy xuống thưa rằng: “Thưa ngài, tôi là hạ-quan, việc triều chánh tôi đâu biết được. Xin ngài thứ tha cho tôi nhờ”.
Lữ-Đường muốn hâm dọa đặng cho sứ nói, nên vỗ ghế kêu quân sĩ dạy trói người ấy đem ra cửa thành mà chém. Người đi sứ thấy việc chẳng lành, nghĩ thầm ai làm vua vinh-hiển mà mình chết oan mạng, nên lật đật thưa rằng: “Thưa ngài, xin ngài tha cho tôi rồi tôi tỏ hết mọi việc đầu đuôi cho ngài rõ”.
Lữ-Đường cũng còn giận, song nghe nói như vậy bèn dạy quân mở trói đặng cho sứ thuật việc trong trào cho mình nghe. Người đi sứ mới thuật hết việc Tam-Ca soán ngôi giết Tôn-nhựt-Lệ, Hà-cảnh-Dực. Vương-hậu phiền lòng nên đi tu; còn hai Hoàng-tử tỵ-nạn người ấy nghe thấp thố bắt lại được, song không dè là bắt có một mình Xương-Văn nên nói bướng với Lữ-Đường rằng bắt lại đủ hai người và để ở trong cung thong thả, không giam cầm chi hết.
Lữ-Đường nghe nói Đỗ-cảnh-Thạc với Dương-kiết-Lợi bày mưu giúp sức cho Tam-Ca đoạt cơ nghiệp của nhà Ngô thì tức giận, trong lòng phừng phừng như lửa đốt, anh ta thả sứ cho về rồi tức tốc viết thơ sai người đem cho ba trấn ở gần 1- Lý-Khuê ở Siêu-Loại, 2- Nguyễn-thủ-Thiệp ở Tiên-Du và 3- Nguyễn-Siêu ở Tây-phủ-Liệt, mà mời đến hội nghị.
Nguyễn-Siêu cáo bịnh đi không được nên viết thơ sai quân đem cáo từ. Qua ngày sau Lý-Khuê với Nguyễn-thủ-Thiệp cỡi ngựa đến Tế-Giang. Lữ-Đường nghe quân báo lật đật ra cửa tiếp rước vào thành.
Phân tân chủ an tọa và trà nước xong rồi, Lữ-Đường mới đứng dậy hỏi rằng: “Nhị vị tướng-quân có hay Ngô-chúa thăng hà và Dương-tam-Ca soán ngôi rồi chăng?”. Lý-Khuê với Thủ-Thiệp gặt đầu nói rằng mình đã có tiếp được chiếu chỉ rồi. Lữ-Đường cười gằn mà hỏi nữa rằng: “Chúng ta làm tôi Ngô-chúa, nay Ngô-chúa vừa nhắm mắt, kẻ gian nịnh nó đoạt cơ nghiệp như vậy, nhị vị tướng-quân đã có tính mưu gì mà báo thù cho chúa hay chưa?”.
Thủ-Thiệp đáp rằng: “Tiên-vương đã quyết định nhường ngôi cho em là Tam-Ca nên mới di-chúc. Vậy chúng ta phải vừa theo ý tiên-vương, nếu chúng ta phản nghịch với Bình-vương, thì sợ e chúng ta chẳng khỏi lỗi với tiên-vương”. Lý-Khuê cũng hiệp ý với Thủ-Thiệp. Lữ-Đường lắc đầu nói rằng: “Nhị vị tướng-quân tin theo lời trong tờ chiếu của Tam-Ca thì lầm nhiều lắm”.
Lữ-Đường bèn đem hết những lời của sứ khai với mình mà thuật lại cho hai tướng nghe. Lý-Khuê vói Thủ-Thiệp rõ sự tình rồi cũng nổi giận nên mắng nhiếc Tam-Ca, Cảnh-Thạc và Kiết-Lợi om sòm. Lý-Khuê khuyên Lữ-Đường dạy quân đặt bàn hương án rồi ba người cúng tế Ngô-vương và thệ tâm không chịu phục tùng tân chúa.
Cúng tế xong rồi, Lữ-Đường hỏi coi bây giờ phải định kế nào mà trừ giết loài gian nịnh. Thủ-Thiệp nói rằng: “Dương-tam-Ca soán ngôi được là nhờ có Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi phò tá. Vả Cảnh-Thạc là một vị đại tướng trí mưu gồm đủ, còn Kiết-Lợi là một tay hào kiệt, dõng lực phi phàm. Đã vậy nghe nói trong kinh đô binh cường lương túc nên nếu ba anh em ta dấy binh sợ e bất lợi. Vậy chúng ta phải huỡn mà chờ coi mấy trấn khác động tịnh thể nào, rồi chúng ta sẽ tùy cơ mà liệu kế”.
Lữ-Đường tánh tình nóng nảy, nên nghe mấy lời xuôi xị thì chịu không được, liền đứng dậy nói rằng: “Nhơn-huynh xưa nay đã có tiếng anh hùng mà nhơn-huynh nói như vậy, không sợ họ cười hay sao? Nhơn-huynh nói Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi giỏi, nên phải huỡn huỡn mà chờ cơ hội. Vậy chớ chờ cho đến chừng nào? Chờ cho Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi chết rồi mình sẽ hưng binh phải không? Tôi nói thiệt, nếu Nhơn-huynh không dám giấy binh mà tru-diệt loài gian nịnh, thì tôi đi một mình tôi; thà là tôi chết, chớ tôi không chịu để cho phản thần đắc chí”.
Lý-Khuê can Lữ-Đường rằng: “Nhơn-huynh nóng nảy quá như vậy không nên. Lời của Nguyễn-huynh nói đó là lời dè-dặt, chớ không phải là lời nhút-nhát. Nhơn-huynh xét lại mà coi, ba anh em ta đây hiệp binh lại không đầy một muôn; còn Tam-Ca thâu lấy binh triều kể đến năm bảy muôn, nó lại có số thập viên chiến-tướng. Nếu chúng ta hưng binh thì phải quyết thắng, chớ hưng binh mà thất bại thì hưng binh làm chi. Lấy thế lực mà luận thì sự bại đã thấy trước rồi, nếu chúng ta làm việc miễn-cưỡng thì ai gọi là trí. Theo ý tôi, bây giờ chúng ta phải liệu thế nào mà liên-hiệp chư trấn thì hoặc may mới trừ kẻ phản-thần được. Mà chư trấn anh hùng bây giờ còn ai? Cao-đằng-Vân ở Ái-châu, nghe nói đã tỵ trần rồi, Trần-Lãm, ở Bố-hải-Khẩu, thì già yếu nên sợ e không muốn cầm thương lên ngựa nữa. Vậy bây giờ nếu liên-hiệp thì chỉ có ba anh em ta đây với Nguyễn-Khoan, Ngô-nhựt-Khánh, Nguyễn-Siêu, và Phạm-bạch-Hổ mà thôi. Mà trong số 7 người nầy chỉ có một mình Phạm-bạch-Hổ tài-lược nhiều hơn hết, hễ người khứng hưng binh, chúng ta giao chức minh chủ cho người, để người có đủ quyền mà điều đình thì hoặc may mới trừ gian tru nịnh được. Vậy Lữ huynh hãy chịu khó xuống Đằng-châu mà thương nghị với Bạch-Hổ; nếu người chịu thì khắc kỳ hưng binh, để hai anh em tôi về chỉnh tu binh mã và viết thơ xin Nguyễn-Khoan, Nguyễn-Siêu và Ngô-nhựt-Khánh tiếp ứng”.
Lữ-Đường nghe nói cả mừng, nên lật đật đi xuống Đằng-châu và khuyên Lý-Khuê với Thủ-Thiệp phải ân-cần thỉnh mấy trấn kia hội binh, Lý-Khuê với Thủ-Thiệp cáo từ ai về trấn nấy, Lữ-Đường lên ngựa thẳng xuống Đằng-châu.
Phạm-bạch-Hổ từ ngày vưng lịnh Ngô-vương dẫn binh trở về Đằng-châu mà trấn thủ, hễ nhớ đến mấy lời Ngô-vương quở trách thì trong bụng buồn bực, sắc mặt dàu dàu. Cách vài năm Bạch-Hổ nghe Ngô-vương trọng dụng Tam-Ca với Kiết-Lợi, giao quốc-chánh cho Tam-Ca điều đình, giao binh quyền cho Kiết-Lợi quản đốc, thì lắc đầu chắc lưỡi than rằng: “Trời không cho nhà Ngô làm vua lâu đời hay sao, nên mới khiến Ngô-chúa không nghe lời ta mà trọng dụng Tam-Ca như vậy! Rất uổng công cho Ngô-chúa và chư tướng xông tên lướt đạn, gội nắng dầm sương trót một năm trời mà gầy dựng cơ-đồ, mở mang bờ cõi!”
Bạch-Hổ than rồi khóc, tuy là buồn song chẳng hề để lòng oán hận Ngô-chúa chút nào. Cách chẳng bao lâu Bạch-Hổ lại tiếp được một tờ chiếu nói rằng thiên-hạ thái bình nên triều-đình định phải yễm võ tu văn; và dạy Bạch-Hổ phải lập tức bãi binh để chừng 500 thủ thành mà thôi, còn bao nhiêu thì cho về làng đặng mở rừng cày ruộng. Bạch-Hổ đọc chiếu rồi, trong lòng bồi hồi tức giận thầm nghĩ rằng: “Đây là kế của Tam-Ca bày, trước thị-nhục ta chơi, sau làm cho ta giảm thế lực đặng nó dễ bề tạo-phản”.
Bạch-Hổ liền viết biểu sai người đem về triều-đình mà tâu với vua rằng: nước ta ở giáp ranh với Trung-quốc, mấy năm nay người Tàu không dám xâm lấn biên cương nữa, ấy là vì sợ oai thế của ta, chớ không phải là vì bỏ lòng muốn thâu đoạt nước ta. Nếu vua định bãi binh thì sợ e chẳng khỏi ngoại-bang cử binh thâu đoạt bờ cõi, mà thế ta đã yếu rồi, thì khó mà làm mạnh lại được. Vậy xin vua vì giang-san xã-tắc mà bỏ việc bãi binh đi.
Cách ít ngày Bạch-Hổ tiếp được một tờ chiếu của vua nữa, nói rằng Bạch-Hổ là biên thần không được phép bàn việc chánh, vậy phải tuân lịnh triều-đình mà bãi binh cho mau, nếu trì huỡn sẽ bị tội nghịch vương mạng.
Bạch-Hổ xem chiếu rồi giận quá nên ngồi thở ra, không nói chi được hết. Cách một hồi anh ta mới than trách rằng: “Ta vẫn biết kế nầy là kế của Tam-Ca, nhưng mà thánh-thượng nịch ái đứa nịnh, không kể giang-san, khinh bỉ công-thần, thì thánh thượng cũng là tệ thiệt! Bệ-hạ ôi! Bệ-hạ tệ chi lắm vậy? Nay Bệ-hạ được ngôi cao quyền cả, tuy hạ-thần bất tài, song hạ-thần cũng có vùa giúp cho Bệ-hạ ít nhiều. Sao Bệ-hạ không nhớ công mọn của hạ-thần lại nghe lời quân sàm-thần sủng nịnh mà khinh bỉ hạ-thần đến thế? Bệ-hạ ôi! Ví dầu hạ-thần trực ngôn can gián, ấy là vì hạ-thần muốn cho nhà Ngô muôn năm chói rạng, muốn cho đất nước thiên tải vững bền, chớ phải hạ-thần có ý gì riêng, mà Bệ-hạ đành lòng kết hận”.
Bạch-Hổ trách rồi ngồi khóc, khóc rồi lại giận, giận rồi lại hờn. Anh ta thầm nghĩ rằng: mình đã hết lòng ngay với vua, mà vua không biết xét, nếu sau có nguy-biến thế nào thì vua chịu, mình chẳng cần can dự đến nữa làm gì. Nay vua dạy mình bãi binh, nếu mình không bãi thì mình có tội nghịch mạng. Vậy mình bãi binh phứt cho rồi, ngày đêm mình uống rượu làm thơ mà chơi, nhà vua suy-thạnh, và cuộc thế hưng-vong mặc ai, mình chẳng cần lo nữa làm gì cho mệt. Bạch-Hổ tính sáng ngày sau sẽ điểm binh lực cho bớt về làm ăn, để đủ số 500 theo như lời chiếu dạy chiếu dạy mà thôi.
Đêm ấy Bạch-Hổ ức-uất trong long ngủ không được, nên vào ra trong trướng than thở hoài. Vợ là Lưu-Thị, vốn người hiền đức, thấy chồng thổn-thức không hiểu chồng có việc chi, nên bước ra hỏi thăm. Bạch-Hổ đem việc triều chánh nói lại cho vợ nghe, và tỏ luôn ý mình tính sáng ngày bãi binh nữa.
Lưu-Thị nghe rõ đầu đuôi rồi liền khuyên chồng rằng: “Quốc-sự là việc của phu-quân, phận thiếp là đàn-bà không lẽ thiếp dám can dự. Tuy vậy mà thiếp nghĩ phận phu-quân là tôi, phận Ngô-vương là chúa; sách có câu “quân bất minh thần bất khả bất trung” nếu lúc nầy mà phu-quân để lòng hờn Ngô-vương, quyết bỏ liều việc nước thì thiếp sợ e phu-quân lỗi niềm tôi chúa”.
Bạch-Hổ trợn mắt ngó vợ mà đáp rằng: “Phu-nhơn nói như vậy nghe cũng phải đó chút. Nhưng mà sách cũng có câu “quân thị thần như thảo giái, thần thị quân như khấu thù”.
Lưu thị nghe chồng nói như vậy thì biến sắc, sợ chồng nóng giận mà lỗi lầm, nên khóc mà thưa rằng: “Phu-quân đừng có nghĩ như vậy mà lỗi với chúa, cái danh trung nghĩa của phu-quân xưa nay, bây giờ phu-quân đành đem mà thả trôi theo giòng nước hay sao? Xin phu-quân giảm nộ mà suy xét lại, chớ nếu phu-quân buồn chí mà bỏ xuội thì chẳng những là vua khuynh-nguy mà thôi, mà sợ e giang-san cũng điên đảo nữa”.
Bạch-Hổ nghe vợ khêu lòng trung nghĩa mà tủi thầm, nên ngồi chống tay trên ghế, hai hàng nước mắt nhỏ giọt. Anh ta tính hồi triều bái yết Ngô-vương đặng tâu cho hết mọi điều khúc-trực, nhưng mà nghĩ nếu không có chiếu triệu mà mình về, sợ e chẳng khỏi mang tội nên không dám đi.
Lưu-Thị khuyên rằng: “Nay phu-quân về triều thì có tội mà không bãi binh cũng có tội. Vả chăng sự bãi binh là một sự rất quan hệ, bởi vì hễ bãi binh rồi, ví như có giặc nước ngoài xâm-lấn biết lấy chi mà chống cự, mà dầu không có giặc nước ngoài đi nữa, ví như trong nước biến loạn biết lấy chi mà bình-phục. Vậy nếu phu-quân muốn khỏi tránh lịnh vua, mà cũng khỏi giảm thế lực, thì phu-quân dụng kế đồn-điền là hay hơn hết”.
Bạch-Hổ ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi khen vợ nói phải. Sáng ngày Bạch-Hổ chọn 500 binh tráng kiện để ở lại thủ thành, còn số dư kể hơn ba ngàn thì chia ra từ đội, từ ngũ, ở mỗi đội ngũ đều có người quản-suất, rồi cho dắt nhau từ tốp đi lập làng lập xóm, phá rừng cấy lúa, làm ăn như dân thường, song dặn có cuộc binh-chiến hễ được lịnh thì phải tựu về Đằng-châu mà nhập ngũ.
Từ ấy về sau Bạch-Hổ tối ngày cứ lo uống rượu ngâm thi, việc cai trị trong trấn thì phú cho bộ-tướng là Lương-chánh-Tôn điều đình, không thèm dự tới. Tuy là Bạch-Hổ sợ lỗi niềm tôi chúa nên không dám oán hận Ngô-vương, nhưng mà hễ nghe ai nói tới việc triều-đình thì châu mày đỏ mặt.
Qua năm giáp-thìn (944), ngày nọ Bạch-Hổ đương ngồi trong trướng uống rượu, bỗng nghe quân vào báo có sứ ở kinh đệ chiếu của vua đến. Bạch-Hổ lật đật ra tiếp sứ rồi đặt bàn hương án mà đọc chiếu. Bạch-Hổ hay Ngô-vương thăng-hà, Tam-Ca đã tức vị xưng hiệu là Bình-vương, thì tức giận nghẹn cổ không nói được. Bạch-Hổ đứng trân-trân một hồi lâu, rồi dạy quân đặt bày lễ vật đặng cúng tế Ngô-vương mà để tang, nhưng mà sắc mặt như thường, không khóc mà cũng không giận.
Sáng ngày sau Bạch-Hổ thăng đường, Lương-chánh-Tôn vừa muốn vào hỏi coi Bạch-Hổ điềm-nhiên tọa-thị mà để cho Tam-Ca đoạt cơ nghiệp của nhà Ngô hay sao, bỗng nghe quân vào báo rằng có Lữ-Đường là Tổng-trấn Tế-Giang đến xin ra mắt. Bạch-Hổ nghe báo có Lữ-Đường đến thì ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi mới chịu bước ra cửa rước.
Lữ-Đường vừa thấy mặt Bạch-Hổ thì sa nước mắt mà nói rằng:
- Phạm công ôi, Ngô chúa đã băng rồi, Phạm công có hay chưa?
- Tôi hay rồi.
- Tam-Ca nó dối rằng có thánh thượng di-ngôn nên nó đoạt ngôi của Thái-tử, việc ấy Phạm công cũng đã hay rồi hay chưa?
- Tôi cũng đã hay rồi.
- Ai báo tin cho Phạm công hay?
- Có sứ của Bình-vương.
- Bây giờ Phạm công liệu lẽ nào?
- Liệu việc gì?
- Ủa! Kẻ gian nịnh soán ngôi vua, Phạm-công là anh hùng hào-kiệt, Phạm-công đành tọa thị hay sao?
- Việc ấy tôi đã có tâu trước cho thánh thượng rồi, tại thánh-thượng không tin lời tôi nên bây giờ mới xảy ra nguy biến như vậy. Lỗi ấy có phải tại nơi tôi đâu mà tướng-quân trách tôi.
- Không, tôi đâu dám trách Phạm-công. Tôi đến đây là tỏ cho Phạm-công hay rằng chư trấn nghe Tam-Ca soán ngôi, ai cũng bầm gan sôi ruột, quyết hưng binh vấn tội. Chư trấn muốn liên hiệp binh lại đặng oai thế mạnh mẽ, nên cậy tôi đến xin Phạm-công lãnh quyền minh-chủ mà điều binh khiển tướng. Vậy xin Phạm-công nhận lời, trước vẹn đạo quân thần, sau chư trấn khỏi thất vọng.
- Vậy mà tướng-quân có nghe hai Hoàng-tử còn mất lẽ nào hay không?
- Tôi nhe rõ, hai hoàng-tử tị-nạn, Tam-Ca sai tướng theo bắt đem về để ở trong cung, vậy chúng ta phải hưng binh bắt giết Tam-Ca đặng lập Thái-tử Xương-Cấp lên ngôi cửu-ngũ.
Bạch-Hổ nghe nói như vậy thì cười ngất rồi đáp rằng:
- Tướng-quân nói thiệt nghe trái lẽ quá! Nếu hai Hoàng-tử còn ở trong cung mà Tam-Ca tức vị quốc-vương, thì tự nhiên ý hai Hoàng-tử thuận tùng như vậy, Thái-tử đã không tranh ngôi, chúng ta ức hiếp nỗi gì mà dấy binh? Nếu chư trấn muốn đánh giặc thì chư trấn để binh về triều mà đánh. Phận tôi đây, cách mấy năm trước Ngô-vương giảm binh quyền của tôi, không cho phép tôi có hơn 500 quân, thế lực tôi yếu lắm, nên tôi hổ phận không dám hiệp với chư trấn.
Lữ-Đường giận đỏ mặt, ngó Bạch-Hổ trân trân rồi hỏi rằng:
- Khi trước Phạm-công là đệ nhứt yên-hùng, tôi không dè mấy năm nay xa cách nhau rồi Phạm-công suy nhược đến thế! Thiệt Phạm-công sợ thằng Cảnh-Thạc với thằng Kiết-Lợi lắm sao?
- Tôi phải sợ chớ! Người ta binh cường tướng dõng, còn tôi binh thiểu thế cô, làm sao mà tôi không sợ!
Lữ-Đường lắc đầu than khóc, dùng đủ mưu chước, trước lấy lời trung nghĩa mà khêu Bạch-Hổ cũng không động lòng, sau lấy lời cứng cỏi mà khích Bạch-Hổ cũng không đổi ý, nói thế nào cũng không chịu, túng thế giận mắng Bạch-Hổ rồi bỏ đi về. Lữ-Đường ra khỏi cửa rồi thì Bạch-Hổ cắn răng trợn mắt, lấy tay vỗ ghế mà nói rằng: “Hay cho con cháu nhà Ngô, chúng đoạt ngôi mà cũng còn đeo đuổi theo ở trong cung, có thịt sẵn dành để cho chúng ăn, rồi ngồi chực xương mà gặm! Bớ Thái-tử Xương-Cấp, ngươi đành bỏ cơ nghiệp của tiên-vương há ! Cơ nghiệp của ngươi, ngươi muốn bỏ thì tự ý ngươi, còn công-phu của ta giúp mà dựng cơ nghiệp ấy ta không bỏ đâu. Bớ Dương-tam-Ca, mi ỷ thế mà soán ngôi của nhà Ngô há! Ngôi của nhà Ngô, mi muốn soán thì tự ý mi, chớ ngôi của ta mi không soán được đâu”.
Bạch-Hổ giận Tam-Ca, trách Xương-Cấp một hồi rồi ngả lăn mà khóc. Lương-chánh-Tôn lật đật chạy vào đỡ dậy. Lưu-thị ở trong trướng cũng lật đật bước ra khuyên chồng. Lưu-chánh-Tôn với Lưu thị đều khuyên phải hiệp với chư trấn mà cử nghĩa binh về triều đánh bắt Tam-Ca và tôn Xương-Cấp. Bạch-Hổ quyết không chịu nói rằng: “Ngày trước Ngô-vương phán rằng Tam-Ca là em của ngài ta không nên nói nhiều lời xiêu-tạc. Sau ngài lại nói ta là biên-thần, ta không được phép dự vào triều chánh. Phận ngài là chúa, phận ta là tôi, ngài đã dạy ta phải vưng. Nay em ngài soán ngôi của ngài, ta là người ngoài ta không phép nói, mà ta là biên-thần, ta cũng không được phép dự việc triều đình. Đã vậy mà hai Hoàng-tử đều thuận tùng Tam-Ca, ta ức nỗi gì mà ngăn trở. Còn ta đối với Tam-Ca thì chẳng có tình nghĩa chi hết. Đã biết tiên nhơn ngày trước là chúa của ta, mà ơn nghĩa ấy ta đã đền đáp rồi, dầu ta chết xuống cửu-tuyền ta cũng chẳng hổ. Chớ chi lúc Kiều-công-Tiện giết tiên nhơn nó mà nó ra khởi nghĩa báo thù cho cha, nếu ta không phò tá nó hoặc là đầu Ngô-Vương chớ không chịu đầu nó thì ta có tội. Nó là đứa bất hiếu bất nghĩa, cha chết không dám chết theo cha, người ta báo thù nó cũng không giúp sức, đứa như vậy mà làm chúa ai ? Nó muốn làm vua thì làm với chư trấn, chớ ta không để cho nó làm vua của ta đâu”.
Lưu-thị tưởng chồng giận Tam-Ca nói như vậy là lo mưu tru-diệt, nên mừng thầm không khuyên lơn nữa. Nào dè Bạch-Hổ lập đàn cúng tế trời đất rồi xưng mình là Đằng-châu sứ-quân, tuyên bố trong trấn cho dân sự hay rằng mình không qui-thuận theo Dương-tam-Ca.
Còn Lữ-Đường khuyên Bạch-Hổ xuất binh không được, giận trở về Tế-Giang rồi cho người đi mời Lý-Khuệ với Thủ-Thiệp đến hội nghị nữa. Hai người nầy nghe nói Bạch-Hổ không khứng xuất binh thì thối chí, không dám tính tới việc đánh Tam-Ca, lập Thái-tử nữa. Nguyễn-Siêu ở Tây-phù-Liệt cho người đến nói rằng anh ta còn bịnh nên không thể cầm binh được. Nguyễn-Khoan ở Tam-Đái cho người đến nói rằng con cháu họ Kiều tụ tập binh mã tại Hồi-Hồ, muốn lấy đất Tam-Đái, nên không dám bỏ trấn mà xuất binh. Còn Ngô-nhựt-Khánh ở Đường-Lâm cho người đến nói xuất binh thì anh ta bằng lòng, song xin phải trì huỡn ít thàng đợi coi Bạch-Hổ liệu lẽ nào rồi sẽ dấy động.
Lữ-Đường thấy chư trấn giải đãi thì phiền muộn đêm ngày ăn ngủ không được. Vì lòng thương Ngô chúa quá, không thể làm ngơ được, nên không thèm cậy sức chư trấn nữa, một mình cử bổn bộ binh kể chừng ba ngàn người, kéo về kinh, quyết đánh với Bình-vương.
Bình-vương hay tin Lữ-Đường nghịch mạng, liền dời Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi vào chầu mà thượng nghị. Cảnh-Thạc tâu rằng: “Trong các trấn chỉ có một mình Bạch-Hổ tài lược hơn hết; nếu Bạch-Hổ nghịch mạng thì triều đình phải lo, chớ Lữ-Đường tài lực không bao nhiêu, xin Bệ-hạ sai Lâm-Hổ với Triệu-Hùng dẫn ít ngàn binh ra đối địch cũng đủ”.
Bình-vương nghe lời liền hạ lịnh sai Lâm-Hổ với Triệu-Hùng dẫn năm ngàn binh ra đón đánh Lữ-Đường. Khá thương Lữ-Đường, lòng trung nghĩa thì nặng, ngặt vì binh ít, thế cô, nên mới giáp một trận thì đại bại, phải tìm đường trở về Tế-Giang. Lâm-Hổ với Triệu-Hùng thấy giặc đã phá, Lữ-Đường đã chạy mất, bèn thâu quân về triều phục mạng.
Lữ-Đường về Tế-giang chiêu binh mãi mã, mong lòng báo-thù hoài. Anh ta sai quân qua Đằng-châu mà thám dọ cử-chỉ của Bạch-Hổ. Quân về bào rằng Bạch-Hổ đã tự xưng là Sứ-quân, quyết không phục Bình-vương. Lữ-Đường cuời mà nói rằng: “Bạch-Hổ xưng Sứ-quân, ta cũng xưng là Sứ-quân”, rồi tuyên bố cho dân trong trấn hay rằng mình không phục tân triều. Lý-Khuê, Thủ-Thiệp, Nguyễn-Siêu, Nguyễn-Khoan, Nhựt-Khánh và Trần-Lãm hay tin ấy lần lần bắt chước cũng xưng là Sứ-quân hết thảy.
Năm trước Kiều-công-Tiện giựt chức Tiết đạt sứ cũa Dương-diên-Nghệ, Ngô Quyền hưng binh báo oán, các trấn thảy đều qui-thuận, nên không đầy một năm đã dẹp an gian nịnh, khai sáng non sông. Nay Dương-tam-Ca soán-ngôi của Ngô-vương, Lữ-Đường hưng binh dẹp loạn, các trấn không hiệp lực, nên đánh mới có một trận mà đã thất bại. Tuy Lữ-Đường tài trí không bằng Ngô-Quyền, nhưng mà Lữ-Đường một mình dám chống cự với binh triều, thì lòng dạ không thua gì Ngô-Quyền, khác nhau là vì người trước gặp thời, còn người sau không gặp đó mà thôi.