[Việt Nam] Nam Cực Tinh Huy
Lối nửa chiều, mặt trời đã chen đầu núi, chim cò đã trở mỏ bay về rừng; gió phất phơ ngọn cỏ xanh dờn, nắng chấp-chóa nhành cây vàng cháy.
Võ-Nhứt dắt Trần-cao-Phi đi về Linh-sơn, hai người cỡi hai con ngựa đi trước, sau lưng lại có đem theo một cái kiệu hai người khiêng, đặng rước Kiên-Trinh. Võ-Nhứt đã lãnh 15 lượng bạc thưởng rồi, nên toại chí, không cần đi mau, còn Cao-Phi mừng vì ngọc đã gần về tay, trí mắc tính chuốt ngọc bẻ hoa, nên cũng không lật-đật.
Khi gần tới, Võ-Nhứt dòm lên núi thấy khói bay mấy ngọn, tưởng là trời chiều mây cuốn, nên không nghi ngại chút nào. Chừng bước lên triền núi, thấy một tên lâu-la đi cà-nhắc, Võ-Nhứt mới kêu mà hỏi rằng: “Mi đi đâu đây? Sao lại đi cà-nhắc như vậy?” Tên lâu-la day lại ngó thấy chủ trại, liền quì xuống và khóc và thưa rằng: “Đại Chủ-trại ôi! Nguy lắm! Nguy lắm!”
Võ-Nhứt kinh khủng liền hỏi rằng:
- Sao mà nguy?
- Thưa, đại chủ-trại vừa mới xuống khỏi núi, bỗng đâu có một thằng dữ tợn, trạc chừng 40 tuổi, xưng tên là Hồng-Dực, dắt năm sáu tên dân làng lên đánh phá trại. Anh em tôi chống cự với nó, bị nó giết chết gần vài mươi người, tiểu chủ-trại đánh cũng không lại nó, nên dắt nàng con gái mà chạy, chẳng dè nó rượt theo chém tiểu chủ-trại đứt gần lìa cánh tay tả.
- Té ra em ta chết rồi sao?
- Thưa chưa chết.
- Vậy chớ bây giờ nó ở đâu?
- Tiểu chủ trại chạy ra phía sau mà trốn, anh em tôi mới kiếm được, nên đã khiêng trở về rồi. Ngặt mấy trại nó đã đốt cháy tiêu hết, nên không còn chỗ mà ở. Lâu-la chết gần 20 thây còn nằm đó; còn bị bịnh mười mấy đứa cũng nằm dựa gốc cây mà chịu. Tôi bị thương mà nhẹ, nên ráng xuống đây đón báo tin cho chủ trại hay.
Võ-Nhứt nghe nói sảng-sốt, nửa giận, nửa kinh, nên quất ngựa lên núi không thèm hỏi nữa, Cao-Phi đứng nán lại mà hỏi tên lâu la rằng: “Còn nàng con gái ấy có bị hại hay không vậy em?” Tên lâu-la đáp rằng: “Ôi! Cũng vì nàng đó nên mới hại đến nỗi nầy.”
- Sao vậy?
- Bắt bà con người ta, nên người ta tức giận mới lên đánh mà giựt lại chớ sao?
- Té ra nàng ấy không còn trên núi hay sao?
- Chúng nó dắt đi mất từ hồi trưa cho đến bây giờ, còn đâu mà hỏi.
Cao-Phi nghe mấy lời như sét đánh bên tai, các sự mơ ước đều tan như nước mù sương bị nắng dọi, các sự toan tính đều bay như khói rút lên trời, đứng chần ngần một hồi rồi tay vỗ bấp vế mà nói rằng: “Té ra mất 15 lượng bạc mà không đặng thấy mặt!”
Cao-Phi muốn trở về, song còn nghi tên lâu-la xảo trá, nên quất ngựa chạy theo Võ-Nhứt đặng lên trại coi tình hình thể nào.
Khi lên tới thì thấy mấy dãy trại thành mấy đống tro tàn, khói còn bay ngui-ngút. Thây lâu-la nằm trước sàn lểnh-nghểnh. Dựa mấy gốc cây lại nghe tiếng người bị bịnh rên la. Đã biết hễ làm dữ thì gặp dữ, nhưng mà người đạo đức ai thấy thảm trạng như vậy chắc phải quên tánh tàn bạo của lâu-la mà động lòng thương xót. Cao-Phi tuy không phải là người đạo đức, song thấy cảnh như vậy cũng quên nàng Kiên-Trinh, quên tiếc 15 lượng bạc, để leo xuống ngựa mà hỏi thăm coi Võ-Nhị nằm đâu.
Mấy tên lâu-la khỏi bị bịnh dắt Võ-Nhứt và Cao-Phi đi vòng ra phía sau; tới một tấm thạch bàn thấy Võ-Nhị nằm đó, mặt mày tái lét, cánh tay máu chảy dầm-dề, Võ-Nhứt liền quì xuống, hai tay ôm em và khóc và nói rằng: “Tại anh đi khỏi, nên em mới bị hại, anh nghĩ lại thiệt là anh quấy với em quá!”
Võ-Nhị giở tay mặt xô Võ-Nhứt ra rồi nói rằng: “Lỗi nầy tại em, chớ không phải tại anh. Tại em háo sắc không nghe lời anh, mà lại còn có bụng bất nghĩa nữa, nên em mới đến nỗi nầy. Vậy xin anh chớ buồn. Em chết cũng đáng tội em lắm”.
Cao-Phi nghe mấy lời lấy làm lạ nên bước tới đứng gần mà nghe rõ. Võ-Nhứt cũng không hiểu ý em là thể nào, song nghe nói thì động lòng, nên hét lớn lên rằng: “Ta thề cùng trời đất ta sẽ giết đứa chém em đây, mà báo thù cho em”. Võ-Nhị lúc ấy dòm thấy mặt Cao-Phi thì trợn mắt lấy tay mặt chỉ Cao-Phi mà nói rằng:
“Đứa thù của em là thằng Cao-Phi đây, chớ không ai đâu xa. Nếu anh giết nó thì dầu em chết cũng thỏa lòng”.
Võ-Nhứt chưng-hửng, đứng ngó em rồi ngó Cao-Phi trân-trân. Cao-Phi thất kinh, mặt mày tái lét, chơn run lập-cập. Võ-Nhị liền nạt lớn rằng: “Đồ khốn kiếp, mi phải tránh chỗ khác, đừng để ta thấy mặt nữa.” Võ-Nhị giận quá nên chỗ cánh tay đứt máu bực ra chảy có vòi, trong giây phút mắt mũi xanh dờn rồi tắt hơi. Võ-Nhứt thương em nên ôm thây mà khóc. Cao-Phi rón-rén nói rằng: “Tôi không có làm chi hết, không biết tại sao mà tiểu chủ trại phiền tôi.” Võ-Nhứt lắc đầu lặng thinh. Cao-phi từ giã lên ngựa đi về; hai đứa khiên kiệu chạy theo sau, Cao-Phi càng thấy buồn, buồn vì mất bạc mà không được gái xinh, lại còn mang tiếng oán.
Gần hết canh một, Cao-Phi về mới tới nhà. Cao-Phi kêu gia dịch ra mở cửa ngõ rồi cỡi ngựa đi thẳng vào sân, hai đứa khiêng kiệu cũng khiêng đi theo sau, Trương-thị, là vợ Cao-Phi, nghe chộn-rộn ngoài ngõ, lật đật chạy ra, có ý muốn xem coi Kiên-Trinh nhan sắc thể nào mà gần một năm trường chồng mình cứ ai-hoài ái-mộ, không đành nơi nào khác. Trương-thị cầm đèn ra tới sân, thấy chồng đương xuống ngựa, mà mặt mày buồn nghiến, không hiểu ý chồng thể nào; sợ chồng được vợ mới rồi thấy vợ cũ phát ghét, nên cười chúm chím và nói rằng: “Thưa lang-quân Lữ-tiểu-thơ đâu để cho em rước vào.”
Cao-Phi nói lớn lên rằng: “Không có Lữ tiểu-thơ nào hết! Đừng có làm rộn!”
Trương-thị chưng hửng, song sợ mích bụng chồng nên ráng hỏi nhỏ nhẻ rằng: “Thưa lang-quân, té ra bọn sơn-khấu nó nói gạt lang-quân đặng giựt 15 lượng bạc hay sao?”
Cao-Phi nghe mấy lời, nửa hổ thẹn, nửa tức giận, nên ngoe ngoảy bỏ đi vào nhà, và đi và nói rằng: “Để rồi đây nó sẽ coi tao.” Trương-thị cầm đèn đi theo sau, không hiểu chồng mình giận ai mà hăm-he như vậy, giận Lữ-tiểu-thơ hay giận Võ-chủ-trại? Nghĩ không ra mối mà không dám hỏi nữa, nên giả bộ không nghe, cứ chúm-chím cười mà vào nhà.
Ở đời có nhiều người thấy sự mừng đã đến gần trước mắt, mà rồi sự mừng ấy hóa ra sự buồn; còn có nhiều người thấy cảnh buồn đã vào nhà, nên đứng khóc ngồi than, mà rồi cảnh buồn ấy lại hóa ra hạnh phước. Người đã thấy vui mà buồn đây là Võ-nhứt với Cao-Phi. Còn người thấy buồn rồi vui đây là Hà-Mai với Xương-Cấp.
Khi Sầm-Bích dắt Hà-Liễu với 6 tên dân làng đi lên núi Linh-sơn rồi, thì trong làng Thường-Phú chẳng ai mà chẳng lo sợ, mà người lo nhiều hơn hết là Xương-Cấp với Hà-Mai, Xương-Cấp tuy đã được mười bảy mười tám tuổi rồi, nhưng mà bẩm chất nhu-nhược, nay ly cung tỵ-nạn, chỉ nhờ có một mình Sầm-Bích mà thôi; sanh mạng ở trong tay Sầm-Bích, ví như Sầm-Bích chết rồi thì một mình cảnh lạ bơ-vơ, biết cậy ai nâng đỡ. Còn Hà-Mai, nhà có một chút con gái, rủi bị cường khấu bắt mất, dây sầu quấn ruột; nay em là Hà-Liễu lại đi theo Sầm-Bích mà phá sơn-trại nữa; ví như thành công dắt được con về thì vui vẻ đã đành, còn ví như thất bại phải bỏ thây trên rừng thì mối sầu càng rối, biển thảm càng to, chắc là thân già phải chết theo con và em, chớ không thể nào sống được nữa.
Tuy lo sợ, hai người lo sợ thiệt; nhưng mà nhớ lời Sầm-Bích nói khẳng khái nên trông mong hai người cũng trông mong nhiều. Người trong làng tựu lại hồi sớm mai lần lần về hết, hẹn với nhau đến chiều sẽ trở lại hỏi thăm tin. Xương-Cấp với Hà-Mai nằm ngồi không yên, cứ thay phiên nhau ra đứng dựa cửa mà ngó chừng.
Đến trưa Xương-Cấp hỏi thăm Hà-Mai rằng: “Đường từ Linh-sơn xuống đây tôi có đi rồi nên tôi biết không xa. Song tôi đi bộ dở, đi một khúc phải ngồi nghỉ một hồi, nên không biết sao mà độ ngày giờ được. Còn như người tráng kiện họ và đi và về chừng bao lâu vậy lão ông?”
Hà-Mai biết ý Xương-Cấp trông lắm nên mới hỏi như vậy, bèn đáp rằng: “Mấy người đi hồi sớm mai đều tráng kiện hết thảy, nên tôi chắc họ và đi và đánh ăn cướp, và trở về có lâu lắm thì chừng nửa chiều sao họ cũng về tới.”
Xương-Cấp nghe nói liền đi lại ván nằm nghỉ không trông nữa. Hà-Mai bèn hỏi Xương-Cấp rằng : “Thưa quí khách, tôi thấy lịnh tôn-huynh có tánh nghĩa-dõng, nghe tôi có nạn thì bất bình nên tình nguyện lên đánh giết cường khấu mà bắt con tôi lại giùm cho tôi, thiệt là tôi cảm ân mến đức vô cùng. Nhưng mà tôi còn lo một đều, là không hiểu tài lực của lịnh tôn-huynh ra thế nào.” Xương-Cấp đáp rằng:” Tôi chẳng biết bọn sơn-khấu võ nghệ thể nào, chớ tài anh tôi thì tôi chắc nội trong nước mình chưa có ai sánh kịp.”
Hà-Mai nghe nói như vậy thì càng mừng nên hỏi thêm :
- Nếu lịnh tôn huynh tài cao như vậy thì chắc quí khách cũng chẳng kém bao nhiêu?
- Thưa lão ông, tôi có hai anh em mà tánh khí chẳng giống nhau, anh tôi thì học võ, còn tôi thì lo học văn; bởi vậy mấy năm nay hai anh em tôi đi du học, hễ gặp văn hay thì tôi hầu chuyện, còn gặp ai võ giỏi thì anh tôi đối đãi. Theo võ nghệ thì thiệt dầu người thường tôi cũng không dám cự.
- Có hai anh em mà mỗi người giỏi một nghề như vậy thì là quí quá!
Hai người nói chuyện với nhau đến nửa buổi chiều mà chưa thấy Sầm-Bích về, nên nóng nảy ra cửa dòm hoài. Trời tối lần lần, mặt trời đã chen đầu núi; hai người xốn-xang chịu không được, mà cũng quên ăn cơm, dắt nhau ra đứng đầu làng chờ. Ra đến nơi thì thấy người trong làng cũng đã tựu lại đó mà đợi; kẻ thì đứng dòm ngóng, người thì đi đón đường.
Sự về trễ đây là tại Kiên-Trinh không biết cỡi ngựa, mà đi bộ thì yếu đuối đi lâu mệt mỏi, nên đi một khúc phải nghỉ một hồi.
Trời thiệt tối rồi, mà không thấy tâm dạng chi hết; người trong làng kẻ thì bàn nỗi nầy, người luận thế nọ, duy có Hà-Mai không nói chi hết, song đứng ngó mà hai hàng nước mắt nhểu ròng ròng. Mỗi người còn đương hồi-hộp đợi trông, bỗng nghe văng vẳng có tiếng người nói chuyện.
Có người cất tiếng hỏi lớn rằng: “Ai đi đó? Phải là anh em đi đánh cướp về đó hay không?”
Ai nấy đều lẵng-lặng lóng nghe. Thiệt quả có tiếng đáp rằng: “Phải! Anh em tôi về đây. Có Lữ-tiểu-thơ về nữa.” Những người đứng trông, nghe nói thì chẳng xiết mừng rỡ, nên rập một tiếng mà la lớn rằng;
“Cha chả là may!” rồi kẻ nói người cười vang-vầy, không nghe rõ lời chi nữa.
Cách chẳng bao lâu có một người cỡi ngựa chạy tới, thấy thiên-hạ đứng tại đầu làng chật nức, liền gò cương nhảy xuống ngựa. Ai nấy áp lại mà nhìn thấy Sầm-Bích liền chấp tay cúi đầu vẹt ra hai bên, tỏ dấu kính-phục lắm, Hà-Mai với Xương-Cấp bước tới mừng rỡ, Sầm-Bích nói rằng: “Tôi chậm trễ, để cho bà con anh em trông đợi thiệt tôi lỗi quá.”
Hà-Mai đứng chần-ngần, vì mừng quá, vì cảm quá, vì phục quá, nên không biết nói lời chi mà tạ ơn. Lúc ấy Hà-Liễu, Kiên-Trinh với 6 tên dân làng lục thục đi tới nữa. Hà-Mai thấy con thì đứng khóc ròng, không nói chi được hết. Có một người hô lớn lên rằng: “Thôi, dắt nhau về Lữ-huynh rồi sẽ hỏi thăm công chuyện, chớ Hồng-quan-nhơn đã mệt mỏi, mình còn cầm để đứng đây hoài hay sao?” Rồi đó mới kéo nhau về nhà Lữ-hà-Mai, Sầm-Bích, Xương-Cấp, Hà-Mai và Kiên-Trinh đi trước, thiên-hạ theo sau lưng chật đường, nói nói cười cười, vui mừng ngợi khen chẳng xiết.
Vào nhà rồi mà cặp mắt của Hà-Mai hãy còn ướt rượt, song mắt thì rơi lụy mà mặt lại tươi cười. Những người đi đánh ăn cướp về và mấy ông kỳ-lão thì vào nhà, còn bao nhiêu dân làng thì đứng ngoài sân, chớ nhà nhỏ nếu vào hết thì không dủ chỗ ngồi. Hà-Mai lính-quýnh cậy người dọn cơm đặng cho mấy người mới về ăn đỡ dạ, kẻ thì bắt heo làm thịt đặng dọn tiệc ăn mừng. Hà-Mai lại biểu con bưng trầu ra rồi mới Sầm-Bích, Xương-Cấp và 6 tên dân có công ấy ngồi chung một ván đặng cho cha con lạy tạ ơn. Sầm-Bích ngăn cản không cho lạy. Xương-Cấp đứng dậy nói rằng: “Con nhà học trò hễ gặp việc bất bình ai cũng phải xướng ra gánh vác. Anh em tôi đến đây nghe nói tiểu-thơ bị cường khấu bắt thì đau đớn trong lòng mà lại thấy ông lão buồn rồi than khóc tức giận, nên anh tôi phải ra sức trợ nguy, sự ấy là bổn phận học trò, nếu ông lão nói ơn nghĩa thì ngại lòng anh em tôi lắm”.
Xương-Cấp nói dứt lời liếc thấy Kiên-Trinh đứng ngó mình trân trân, bốn con mắt vừa gặp nhau thì Kiên-Trinh liền cúi đầu ngó xuống đất, còn Xương-Cấp thì mặt biến sắc, bụng hồi hộp, nên cũng day qua chỗ khác.
Sầm-Bích biểu đem dẹp trầu rượu rồi thuật hết đầu đuôi sự mình đánh phá sơn trại và cứu Kiên-Trinh lại cho mọi người nghe. Kiên-Trinh cũng tiếp mà thuật những đều mình đã nghe đã thấy trong mấy ngày ở trên núi; thuật tới sự Cao-Phi mướn ăn cướp bắt thì mặt nàng có sắc giận, rồi thuật tới cách nàng lập mưu mà hại Cao-Phi và chủ trại thì nàng có sắc hổ ngươi.
Mấy ông kỳ-lão và nhơn-dân trong làng nghe rõ mọi việc thì ai cũng kính mến tài-lực của Sầm-Bích, ai cũng khen ngợi mưu kế của Kiên-Trinh và ai cũng khinh bỉ cái thói tiểu-nhơn của Cao-Phi. Hà-Liễu xúi anh hãy đến quan mà kiện Cao-Phi xin quan trừng trị nó đặng ngày sau nó không làm sự quấy như vậy nữa. Xương-Cấp can rằng: “Đứa tiểu nhơn dầu làm cách nào nó cũng không sửa tánh tiểu nhơn của nó được. Theo lời Tiểu-thơ nói thì Cao-Phi mướn ăn cướp đón đường bắt Tiểu-thơ, mà lời ấy là lời của ăn cướp nói với Tiểu-thơ chớ không có chứng nào khác. Nay mình chém chết lâu-la, thiêu hủy sơn trại, song mình không bắt một tên ăn cướp nào, ví như mình đi kiện quan đòi Cao-Phi đến, nó chối rằng không biết việc chi hết, rồi mình biết lấy ai mà làm chứng, ấy vậy tôi tưởng dầu đi kiện, quan cũng khó làm tội nó được.”
Hà-Mai nghe Xương-Cấp phân giải rõ ràng thì khen phải nên không tính việc đi kiện Cao-Phi nữa.
Trong đêm ấy rượu thịt bỉ-bàn, chén thù chén tạc, vui vẻ vô cùng. Đến khuya Lữ-hà-Mai với mấy ông kỳ-lão tỏ với Sầm-Bích và Xương-Cấp rằng: Sầm-Bích lên Linh-sơn cứu được Kiên-Trinh đem về, bao nhiêu đó cũng đủ gây thù với bọn cường-khấu rồi, huống chi giết gần 20 tên lâu-la, chém sả vai Võ-Nhị, thiêu hủy sơn trại, dường ấy thì cừu thù chắc không nhỏ, bọn ăn cướp ở Linh-sơn là bọn hung bạo, chẳng sớm thì muộn bề nào chúng nó cũng kéo nhau xuống đánh làng Thường-Phú mà báo cừu. Vậy nên dân làng đồng tình xin Sầm-Bích với Xương-Cấp ở luôn lại đó đặng bảo hộ lương dân cho khỏi bị quân bạo tàn nhiễu hại.
Hà-Mai lại nói tiếp thêm rằng: “Nếu nhị vị quí khách bằng lòng ở lại đây với tôi thì cha con tôi sẽ đi làm mà nuôi cho đến chừng nào già chết rồi mới thôi”.
Sầm-Bích cười mà đáp rằng: “Lão-ông có lòng thương tưởng anh em tôi như vậy thì tôi cảm tình vô cùng. Ngặt vì anh em tôi có việc phải vào Kinh nên ở chơi năm bảy ngày thì không hại gì, chớ còn ở lâu hơn nữa chắc là không được”.
Dân làng đồng rộ lên mà nói rằng: “Úy trời ôi! Nếu hai ngài đi rồi sơn-khấu xuống đây chúng nó đốt nhà cửa, bắt trâu bò, giựt con vợ của anh em tôi hết còn gì!”. Sầm-Bích ngó ngay mấy người mới nói đó rồi cười mà đáp rằng: “Dân tráng-kiện ở trong làng nầy kể gần một trăm rưỡi, còn bọn sơn-khấu chúng nó không đầy 50. Anh em đông bằng ba số của chúng nó mà anh em sợ chúng nó, như vậy không hổ thẹn hay sao? Bấy nay chúng nó ngang tàng là vì anh em trong làng không tương-thân tương-ái nhau, không đồng-tâm hiệp-lực nhau, chúng nó cướp giựt nhà nào thì nhà nấy chịu, mấy nhà khác không tiếp cứu. Nếu anh em kết làm đoàn thể, đặng tương y tương ỹ, thì tôi dám nói chắc không có bọn ăn cướp nào dám léo đến làng nầy đâu”.
Mấy ông kỳ-lão đáp rằng: “Quí khách phân như vậy thì phải lắm, ngặt dân trong làng không ai biết võ nghệ, còn sơn khấu thì chúng nó luyện tập đã giỏi, một đứa có sức đánh tới năm bảy người, bởi vậy dầu dân làng có thương nhau mà tiếp nhau đi nữa thì cự cũng không lại chúng nó. Vậy nếu quí khách muốn cho dân làng dám cự với sơn-khấu thì xin quí khách ở đây chơi rồi làm ơn dạy em cháu trong làng cho chúng nó biết võ-nghệ chút đỉnh. Quí khách mà có lòng như vậy thì ơn của quí khách dầu ngàn năm làng nầy cũng không quên được”.
Xương-Cấp ngó chừng coi Sầm-Bích trả lời thể nào. Sầm-Bích suy nhgĩ một hồi rồi lắc đầu đáp rằng: “Anh em tôi ở lâu không được”. Xương-Cấp nghe nói thì ngồi thở ra, sắc mặt không được vui.
Rượu trà chuyện vãn chơi đến gần sáng ai nấy mới chịu từ chủ nhà về nghỉ.
Qua ngày sau Xương-Cấp nằm dàu dàu hoài, ít hay nói chuyện. Hà-Mai muốn cầm Sầm-Bích với Xương-Cấp ở lại cho nhiều ngày bèn hỏi Sầm-Bích rằng: “Hồi hôm quí khách nói rằng quí khách có việc nên phải vào Kinh, chẳng biết việc ấy là việc gì; ví như tôi sai thằng em tôi nó đi thế cho quí khách được hay không?”.
Sầm-Bích đáp rằng: “Anh em tôi mồ côi, song có một người bà con đương làm quan tại triều. Cách mấy bữa rày tôi có gặp một người ở Kinh, tôi hỏi thăm thì họ nói lúc rày triều đình đương rối loạn, các quan đương chém giết nhau, tôi lấy làm lo sợ, nên tính vào Kinh dọ coi người bà con của tôi sống thác thể nào”.
- Tưởng là chuyện gì khó, chớ chuyện như vậy thì để tôi sai thằng em tôi nó đi thế cho quí khách cũng được mà.
- Không được đâu.
Hà-Mai nói hết sức mà Sầm-Bích cũng cứ đòi đi hoài, chớ không định ở, Hà-Mai nghĩ rằng con mình mà còn sống trở về nhà, cha con gặp nhau ấy là nhờ ơn của Sầm-Bích. Ơn ấy mình chưa trả được, mà nếu Sầm-Bích ra đi chắc là sơn-khấu xuống đánh bắt con mình nữa. Hà-Mai nghĩ tới sự đó thì đổ mồ-hôi trán.
Tối lại nằm tính tới nghĩ lui, tính đủ kế, nghĩ đủ điều, mà nhắm chẳng có mưu nào cho bằng mưu gả Kiên-Trinh, làm như vậy đã ơn trả nghĩa đền, mà lại cầm chơn Sầm-Bích ở lại được nữa. Ngặt không biết Sầm-Bích có vợ hay chưa? Cũng biết Sầm-Bích là người có tài, còn Kiên-Trinh là gái quê dốt, anh ta có đành kết tóc trăm năm con mình hay không? Lại cũng còn một nỗi nầy nữa, là Sầm-Bích đã trên 40 tuổi rồi, còn con mình mới 17 tuổi, không biết nó có ưng Sầm-Bích hay không? Tính mưu đó thì là hay, nhưng mà phải giải cho được ba điều nầy rồi thì mới thiết mưu đó được.
Sáng ngày Hà-Mai hỏi dọ, biết Sầm-Bích và Xương-Cấp hai người đều chưa có vợ thì mừng thầm. Đến trưa có một ông kỳ lão trong làng tên là Lý-Nhân đến mời Sầm-Bích và Xương-Cấp qua nhà ông chơi. Xương-Cấp buồn bực hoài nên ý không muốn đi, mà bởi vì Lý-Nhân theo năn nỉ, lại Sầm-Bích cũng khuyên dỗ, nên Xương-Cấp mới theo Sầm-Bích mà qua nhà Lý-Nhân.
Hai người dắt nhau đi rồi, Hà-Mai bèn tỏ sự mình muốn gả Kiên-Trinh cho Sầm-Bích, trước là đền ơn đáp nghĩa, sau là buộc cẳng níu lưng lại cho con nghe, và hỏi coi ý nó có đành hay chăng. Kiên-Trinh nghe cha nói thì biến sắc, ngồi lặng thinh một hồi lâu rồi mới đáp rằng: “Thưa cha, phận con là gái, sự gả lấy chồng là quyền của cha định, ví dầu cha gả con cho thằng đui hay là thằng điếc hoặc gả cho thằng điên hay thằng cùi, con cũng phải vâng lời con đâu dám cãi. Huống chi Hồng quí-khách là đứng anh hùng hào kiệt, lại có ơn cứu con khỏi nạn, có lẽ nào con lại chối từ. Nhưng mà con nghĩ vì cha sanh có một mình con, mẹ lại chẳng may khuất sớm, cha thì già yếu, nhà thì không giàu, hễ con lấy chồng thì phải theo chồng, mà theo chồng rồi thì ai hủ-hỉ với cha, khi cha ra ruộng ai coi sóc trong nhà, lúc cha ốm đau ai bưng cơm sắc thuốc. Vậy con xin cha chớ vội lo sự gả con lấy chồng, để con ở nhà mà nuôi dưỡng cha cho đến già đặng đền ơn cha sanh thành dưỡng dục”.
Hà-Mai nghe con nói như vậy thì biết ý nó không ưng Sầm-Bích, bởi vậy ngồi thở ra mà nói rằng: “Cha cũng thương con lắm, bấy nay nhờ có con hủ-hỉ nên cha mới vui lòng mà lo cày cuốc đặng có đủ cơm ăn với người ta. Nếu cha mà gả con lấy chồng thì cha cũng buồn. Nhưng mà theo thế thường hễ con trai lớn thì làm cha mẹ phải lo cưới vợ, con gái lớn thì làm cha mẹ phải lo gả lấy chồng; nếu cha thương con mà không định đôi bạn cho con, để con lỡ duyên của con đi, thì tội nghiệp phận con lắm. Con sợ hễ lấy chồng thì phải theo chồng mà bỏ cha. Cha tưởng sự ấy con chẳng cần phải lo, bởi vì cha nghe Hồng quí khách nói chàng mồ-côi nên nổi trôi du-học vậy thì dầu có cưới con chắc là chàng sẽ ở đây với cha, chớ có nhà cửa đâu mà dắt con về; mà chàng ở thì con cũng còn gần cha như thường, lại trong làng được nhờ chàng bảo hộ nữa”.
Kiên-Trinh cứ nói thương cha nên không đành lấy chồng, Hà-Mai cũng vì thương con không nở ép duyên, nên dụ dự rồi bỏ qua không tính tới sự gả con cho Sầm-Bích nữa.
Sầm-Bích thấy Hà-Mai và người trong làng quyến luyến quá, còn Xương-Cấp thì không tính đi đâu hết, nên Sầm-Bích dục-dặc ở chơi không đi gắp. Ở tại nhà Hà-Mai được 10 ngày, Sầm-Bích mới bàn với Xương-Cấp rằng nếu ở luôn tại đây thì là yên thân, chẳng lo chi nữa, song mình lánh nạn là có ý muốn báo-thù cho tiên-vương và thâu đoạt giang-san lại cho nhà Ngô, chớ không phải đi kiếm chỗ ở mà chơi. Sầm-Bích mới khuyên Xương-Cấp đi qua Đằng-châu đặng cầu Phạm-bạch Hổ hưng binh khôi phục.
Xương-Cấp nghe Sầm-Bích tính đi thì trong lòng không vui, song cũng không cản trở. Hà-Mai và dân trong làng nghe nói khách họ Hồng muốn đi thì theo năn nỉ khuyên ở lại. Sầm-Bích kiếm cớ nói rằng mình có việc riêng trọng-hệ nên không thể nào ở lâu nữa được.
Dân trong làng cầm hết sức mà không được, ông Lý-Nhân mới bày đậu tiền thiết một tiệc lớn mà tiễn-hành. Sầm-Bích và Xương-Cấp còn có một con ngựa mà thôi, nên Hà-Mai tặng thêm con ngựa của mình đặng cho hai người đủ ngựa mà đi.
Tiệc dọn tại nhà Hà-Mai. Hành-lý sửa soạn xong hết, hễ mãn tiệc thì hai người lên ngựa mà đi. Lúc nhập tiệc, dân trong làng ai cũng buồn. Sầm-Bích thấy người ta hậu tình quá nên cũng động lòng, còn Xương Cấp thì ngồi ngẩn ngơ không nói, không cười, không ăn, không uống.
Tiệc gần mãn, Hà-Mai dắt Kiên-Trinh ra lạy tạ ơn và từ biệt hai anh em họ Hồng. Kiên-Trinh chấp tay nói rằng: “Nay hai ân-nhơn lên đường, nên tiện thiếp xin lạy một lạy trước là tạ ơn cứu tử huờn sanh, sau nữa dưng chữ lộ đồ khương-kiện”.
Xương-Cấp nghe dứt lời liền té xỉu; Sầm-Bích ôm đỡ dậy thì mặt mũi xanh dờn, tay chơn lạnh ngắt. Những người trong tiệc thảy đều kinh tâm; còn Kiên-Trinh đứng ngó hai hàng nước mắt rưng rưng nhỏ giọt.