[Việt Nam] Bỏ Chồng

Chương 5


Màu nền
Font chữ
Cỡ chữ
22px
Chiều rộng khung
100%
Dãn dòng
180%
trước sau →

Gần tới Tết. Bữa thứ năm nghỉ học, nên gần 2 giờ rưỡi trưa, Thầy Thiện đi làm việc rồi thì con Yến ra đứng trước cửa mà chơi. Cô Lý ngó thấy con nhỏ thì kêu mà hỏi: - Cháu, có má ở nhà hay không? - Thưa có. - Má làm việc gì ở bển? - Thưa má cháu nằm chơi, chớ không có làm việc chi hết. Cô Lý bước qua thấy cô Oanh đương nằm trên cái đivan mà đọc nhựt trình, thì nói lớn: - Chị, dữ hôn, ở khít một bên, mà mắc đi sớm về tối, nên ít gặp chị quá! Chị mạnh giỏi? Cô Oanh lồm cồm ngồi vậy mà đáp: “cám ơn chị. Tôi mạnh luôn luôn. Mời chị ngồi chơi. Bữa nay sao chị không đi dạy học?” Cô Lý cười, kéo ghế mà ngồi và đáp: - Bữa nay thứ năm, học trò nghỉ học. - À, tôi quên. Con Yến ở nhà kia mà. - Tôi trông gặp chị để méc cháu Yến đó - Nó có lỗi chi đó mà chị méc? - Nó có lỗi là ham học quá! - Ạ! Nó ham học lắm hay sao? - Ham học lắm. Chị có một đứa con thật là đáng đích, từ bà đốc cho đến các cô giáo ai cũng thương nó hết. - Tới nhà trường nó sợ, nên nó mới dễ thương đó, chó ở nhà nó đổng đảnh chịu không nổi. - Chị nói như vậy, chớ tôi thấy nó đỏng đảnh hồi nào đâu. - Sao lại không có. Nó thấy ba nó cưng rồi nó chứng lắm đó. - Có con như vậy cưng cũng phải lắm. Tôi có được đứa con như cháu Yến chắc tôi coi như vàng. - Chị muốn thì tôi cho chị đó, chị đem về bên nhà chị nuôi nó đi. - Chị có một đứa con chị cho tôi rồi chị làm sao. - Tôi không cần. Bây giờ tôi nghĩ lại làm đờn bà mà có con lòng thòng thì khốn nạn không có cái gì hơn. - Sao chị lại nói như vậy ? Con gái lớn lên thì phải lấy chồng là cốt lập gia thất lâu dài. Con là kết quả của cuộc vợ chồng, nhờ có nó mà vợ chồng càng thương yêu, càng khắng khít chớ. - Con cái là cái tội báo! Hồi nhỏ tôi dại nên tôi lấy chồng. Bây giờ tôi ăn năn lắm. Ở một mình như chọị vậy thiệt sung sướng không biết chừng nào. - Phận tôi khác, phận chị khác, đem so sánh sao được. mà chị đã có chồng rồi, lại có một người chồng rất quí báu, chị chẳng nên nói như vậy, ảnh nghe rồi ảnh buồn. - Theo con mắt chị coi thế nào không biết, chớ theo con mắt tôi thì không quí báu chi hết. - Tôi coi ảnh ở với chị ít có đờn ông nào được như vậy. Ảnh thương chị, mà ảnh lại trọng chị nữa. - Thương tôi, trọng tôi, theo cách của chồng tôi đó, coi lại không bổ ích chi cho tôi hết, bởi vậy tôi không màng. - Có chồng như vậy chị chưa vừa lòng sao chớ! Tôi tưởng đờn bà có chồng không hưởng cái hạnh phúc gì lớn cho bằng cái hạnh phúc được chồng yêu. Chị đã được chồng yêu chị còn mong việc gì nữa? tôi biết ảnh yêu chị lắm. - Sao chị dám chắc? - Hôm nọ ngồi đàm luận với tôi, ảnh có tỏ bày việc nhà cho tôi nghe, bởi vậy tôi mới biết ảnh thương chị. Anh nói hễ ảnh thấy chị đi chơi thì ảnh buồn mà lại lo lắm, ngặt vì chị có tánh ham vui, lại đời nầy phải để cho đờn bà hưởng tự do trong việc giao thiệp, bởi vậy ảnh không nỡ ngăn cản và bắt chị phải ở nhà. Nếu ảnh không thương thì có bao giờ ảnh lo xa như vậy. - Tôi muốn đi đâu thì tôi đi, ngăn cản sao được. Cha mẹ tôi gả tôi lấy chồng, chớ có phải bán mọi đâu, mà cầm tù tôi. - Mà chị đi chơi, ảnh có lần nào rầy rà hay không? - Không. Rầy sao được? - Xin chị hãy xét lại mà thương ảnh. Chị đi chơi, ảnh đau đớn hết sức mà không dám hở môi, bao nhiêu đó cũng thấy ảnh trọng chị nhiều lắm. - Tôi đã nói cách trọng như vậy tôi không cần. Họ trọng mình mà tối ngày bắt mình tối ngày phải ở nhà, giữ con, nấu cơm, nấu nước cũng như đầy tớ vậy, trọng như vậy thì tôi xin nhường cho người nào có cái óc nô lệ họ hưởng lấy, chớ tôi không thể hưởng được. Cô Oanh nói dứt một câu rồi ngoe nguẩy đi lấy lược gở đầu. Cô Lý hỏi: - Chị tính đi đâu hay sao mà gở đầu? -Tôi phải xuống Bến Thành mua đồ một chút. - Thôi để tôi về đặng chị sửa soạn mà đi. Chị đi chợ mà chị đem cháu Yến theo hay không? - Không. - Vậy tôi xin chị cho cháu qua chơi với tôi một lát. - Được. Chị muốn bắt luôn nó ở bển cũng được nữa. - Chị nói chơi chớ ảnh đương chịu rời nó ra Cô Lý kêu con Yến rồi nắm tay dắt nó về bên nhà cô. Cô Oanh trang điểm rồi kêu xe kéo mà đi. Quá 6 giờ tối, đèn ngoài đường bật lên cháy rồi cô mới trở về, tay cô xách một gói cam Tàu. Con Yến ngó thấy mẹ thì lật đật chạy về mà mừng. Nhưng mà cô Oanh không thèm ngó tới con, cô để gói cam trên tủ rượu, rồi đi thẳng vô buồng mà thay đồ. Một lát cổ trở ra mở gói lấy một trái cam ngồi lột vỏ. Cô thấy con Yến đứng xớ rớ thì nạt rằng: “Thấy ai ăn vật gì cũng không được ngó miệng hết thảy. Muốn ăn thì lại tủ lấy một trái mà ăn đi”. Con Yến rón rén lấy một trái cam rồi đi vô nhà sau. Cách một hồi, thầy Thiện về. Chị Thình dọn cơm rồi thầy mới kêu vợ con đi ăn. Ngồi ăn cơm, cô Oanh không nói chuyện, cô ăn riết cho hết chén cơm, rồi bỏ đi ra phía trước mà nằm trên ghế xích đu. Chừng thầy Thiện ăn rồi, thầy thấy gói cam trên tủ rượu, thầy lấy một trái mà lột và hỏi vợ: - Ai mua cam đây? - Ai vô đây mà mua, khéo hỏi kỳ cục dữ hôn. - Gần tới tết nên có cam tốt quá. Bữa nay đã hai mươi rồi, con Yến còn học hai bữa nữa thì bãi trường. Tôi muốn năm nay mình đem con Yến về trước dưới nhà mà chơi rồi bữa ba mươi tôi sẽ về sau, chớ đợi tới tết đi luôn một lượt, xe chật chội khó lòng quá. Bữa mình về, mình nhớ mua ít kí lô cam đem về, bà già ưa ăn cam lắm. - Tết năm nay tôi về không được. Mình có muốn cho con Yến về dưới nhà thì mình xin phép nghỉ mà dắt nó đi. - Tại sao mình về không được? - Tôi mắc đi Đà Lạt với chị em. Tôi hứa với người ta rồi. - Muốn đi chơi Đà Lạt thì ngày thường ta đi, chớ tết phải về nhà cúng quảy ông bà, bỏ đi chơi như vậy sao phải. -Năm nào cũng cúng hoài, có thấy ông bà nào về ăn đâu mà cúng. Tôi nhứt định nghỉ cúng một năm đặng đi chơi. - Mình nói ngang vậy sao được! theo phong hóa mới thì theo, nhưng mà sự thờ cha kính mẹ, phụng tự ông bà, mình chẳng nên bỏ. Nếu theo văn minh thì mình đá đạp bàn thờ, khinh bỉ cha mẹ, làm như vậy thì tôi không thể chịu được. - Chịu không được thì thôi. Nghe câu trả lời vắn tắt mà vô tình vậy, thầy Thiện giận đỏ mặt, mà thầy dằn lòng làm lãng, bỏ đi vô trong rửa tay và uống nước, không muốn nói nữa. Cô Oanh cũng cứ nằm trên ghế xích đu. Thầy đốt một điếu thuốc rồi ra đứng trước cửa ngó mong ra ngoài đường. Chẳng hiểu thầy suy nghĩ thế nào mà đứng một hồi lâu, thầy trở vô ngồi lên một cái ghế trước mặt vợ mà nói rằng: “Bữa nay tôi tỏ thiệt với mình, sự đau đớn của tôi về vợ con đã trễ tràng rồi, tôi hết thể chất chứa trong lòng nữa được. Vậy tôi xin mình cho tôi tỏ hết tâm sự của tôi cho mình nghe. Mình nhớ lại mà coi, vợ chồng ở với nhau sáu, bảy năm nay, tôi chẳng lo điều chi hơn là lo cho mình được sung sướng, vui vẻ. Mình muốn thì tôi muốn, mình vui thì tôi vui, mình buồn thì tôi buồn, bởi vậy mình chơi với ai thì tôi cũng không đon ren, mình muốn đi đâu tôi không ngăn cản. Tôi ở với mình như vậy là vì cái tình tôi thương mình nó đầy đủ quá, không còn chỗ nào trống mà chen sự nghi ngại vô được. Mà nghi ngại nỗi gì? Tôi thương mình, tôi trọng mình quá; lại vợ chồng ở với nhau có một mặt con, có lý nào mình không thương tôi hay sao mà nghi ngại. Ngặt vì những lúc sau nầy, tôi thấy cử chỉ của mình đối với chồng con không phải như hồi trước nữa; với tôi thì mình hờ hững, với con thì mình lợt lạt, mà mình lại thả đi chơi hoài, mỗi tuần hai, ba đêm, mà còn đi thêm tới ban ngày nữa”. Cô Oanh day mặt chỗ khác mà đáp: - Ừ, tôi buồn tôi đi chơi. Tôi có chối đâu. Tôi đi coi hát, đi khiêu vũ với chị em, tôi có tội gì đâu mà chối. Cha chả! Bây giờ lại sanh tật ghen nữa chớ! Người ta không ghen mình đó là may, sao lại còn trở lại ghen người ta? - Mình nói cái gì vậy? Tôi có việc gì mà mình ghen tôi. - Thôi, đừng có làm mặt ngay. Tôi biết hết. - Lời mình nói có thể làm cho tôi trào máu họng được! - Vậy chớ lời mình nói đó lại không làm cho tôi trào máu họng được hay sao? - Tôi nói chuyện phải quấy cho mình nghe chớ tôi có ghen đâu. Không, tôi không có cái thói xấu xa đó đâu. Nếu tôi có thói ghen thì thuở nay mình đi đâu thì tôi theo đó, tôi đâu để mình đi chơi thong thả như vậy. - Tôi là người ta, chớ đâu phải trâu bò gì hay sao, nên phải có người chăn. - Xin mình đừng cãi, đễ tôi nói hết ý cho mình nghe. Lúc sau nầy mình đi chơi nhiều quá, tôi lấy làm buồn mà lại lo sợ nữa. Hôm nay, tôi muốn khuyên dứt mình, phải giảm bớt một chút. Tôi mà nói ra tôi sợ mình buồn, nên tôi không nỡ nói. Hồi nãy tôi mới bắt đầu nói chuyện với mình mà mình đáp lại một câu vô tình, bất nghĩa thái thậm, tôi đau đớn lung lắm, dằn nữa không được, nên tôi phải nói ra đây. Tôi xin mình, nếu có lòng thương chồng con, thì từ rày sắp lên, mình bớt đi chơi, nhất là đi ban đêm một mình, bởi vì mình đi chơi thì tôi buồn lung lắm vậy. Dầu mình không sợ tiếng thiên hạ đàm tiếu đi nữa, mà tôi buồn rầu đây mình cũng không kể hay sao”. Cô Oanh vụt đứng dậy mà hỏi: - Ai đàm tiếu? Tôi buồn nên tôi đi chơi, mà con nào dám dị nghị đó? Mình nói tên nó cho tôi biết đặng tôi trả lời với nó. - Tôi ví dụ cho mình nghe, chớ tôi có biết ai đàm tiếu đâu mà nói. - Tôi hiểu hết. Bây giờ mình có quân sư bày mưu, bày kế đặng làm nhục tôi mà! - Mình đừng nói điên. Vợ chồng phân trần hư thiệt với nhau, nếu mình tính kéo câu chuyện cho lạc đề như vậy, tôi còn nói chuyện gì nữa được. - Tôi đã điên đâu. Tôi khôn lắm chớ. Thà là tôi bạc người ta, chớ chẳng bao giờ tôi chịu để ai bạc tôi đâu mà mong. - Tôi khuyên mình đừng có nóng giận mà nói ra những tiếng bất nghĩa, nó làm cho vết thương ở trong lòng tôi, rồi khó điều trị cho lành lại được. - Oái! Tôi không cần sự gì nữa hết. Vợ chồng vui thì ở với nhau, còn nếu buồn thì mỗi người một ngã. - Mình có biết mỗi lời mình nói đó là một mũi dùi nhọn đâm vào trái tim tôi hay không? - Đâm vào đâu cũng được. Oái! Thà là dứt phức một lần cho rồi, để gai mắt nhiều, ngày càng thêm khổ. Muốn làm nhọc lòng tôi, thôi thì tôi đi, tôi để nhà đó rước họ về mà ở. - Rước ai? - Muốn rước ai tự ý. - Còn mình đi đâu? - Tôi đi đâu mặc kệ tôi, tôi không cần hỏi làm chi. Cô Oanh ngoe nguẩy bỏ đi vào buồng, mở tủ lấy quần áo sắp vô một va - ly lớn. Thầy Thiện lắc đầu rồi bước lại bàn viết mà ngồi. Con Yến đang nằm trên ghế canapé gần đó. Ngoài đường có gánh chè đậu đi ngang rao tiếng lảnh lót, lại có mấy chú xa phu gây lộn, mắng chưởi om sòm mà thầy Thiện vẫn ngồi trơ, mắt ngó vô vách, không nói chi hết, còn con Yến cũng nằm im lìm dường như ngủ mê. Cách một hồi lâu, chị Thình vác cái va - ly đi ra cửa; cô Oanh y phục đàng hoàng, xăng xái đi theo sau. Thầy Thiện kêu vợ mà hỏi: “Mình , thiệt mình đành bỏ tôi với con Yến mà đi hay sao?” Cô Oanh day lại mà đáp: “ không có mình đầu gì nữa hết. Tôi với thầy hết duyên hết nợ rồi. Thôi, thầy cứ kiếm vợ khác, đặng nó làm tôi mọi cho mà nhờ. Tôi cũng giao con Yến cho mà nuôi, tôi không thèm giành đâu” Cô nói dứt lời rồi kêu xe kéo lại, biểu chị Thình để va - ly lên trước, rồi cô mới bước lên xe. Con Yến chạy ra cửa vừa khóc vừa kêu: “Má, má”. Nghe rất thảm thiết, mà cô Oanh không thèm ngó lại, biểu xa phu kéo xe đi cho mau. Thầy Thiện bước ra nắm tay con mà dắt vô nhà, nước mắt chảy dầm dề.