[Dịch] Kinh Diễm Nhất Thương [Luận Anh Hùng]
Hai người không nói một câu.
Hai cao thủ đỉnh cấp trong võ lâm này đều có vai vế rất cao, đều nắm quyền lớn trong tay, môn nhân đệ tử cũng đều có thành tựu. Hai người còn cùng thuộc một môn phái, hiểu nhau rất sâu, thù hận cũng sâu như biển.
Trong thế gian, có một số thù hận không thể hóa giải được.
Thù oán càng ngày càng sâu, có khi hóa giải còn phải trá giá lớn hơn so với không hóa giải.
Cho nên có thù thì nên hóa giải thật nhanh, nếu như không làm thì có thể cả đời cũng không hóa giải được.
Có người nói “thời gian sẽ khiến cho tất cả lãng quên”. Nhưng đồng dạng, trước nay những thứ lãng quên trong thời gian đều như nhau, ngay cả tình cảm ban đầu cũng nhạt đi như vậy.
Giống như Gia Cát tiên sinh biết rõ, trong lòng Nguyên Thập Tam Hạn chỉ còn lại tình cừu và thù hận thật sâu.
Chỉ cần ngươi hận một người, hận đến cực điểm, có thể đã sớm quên mất vì sao lúc đầu lại căm ghét hắn, chỉ biết tiếp tục hận. Cho dù hắn làm gì, bất kể tốt hay xấu, ngươi đều sẽ càng hận nhiều hơn.
Gia Cát tiên sinh dĩ nhiên hiểu được điểm này, cũng nhìn thấu điểm này.
Những chuyện như bảy lần bắt Mạnh Hoạch (1), lấy đức báo oán, chịu đòn nhận tội, cảm hóa thù địch, có lúc chỉ là thủ đoạn chính trị, mỗi người một khác. Đối với một số người, ngươi khoan dụng ưu đãi hắn lại là hành vi thương tổn đến chính mình.
Gia Cát tiên sinh không phải là một người dối trá.
Khoan thứ không nhất định luôn là chuyện tốt, có lúc chỉ là lòng dạ đàn bà.
Nếu như Thiên Y Cư Sĩ còn chưa chết, có lẽ một ngày nào đó sẽ hóa giải được, còn lúc này Gia Cát tiên sinh đã cảm thấy không cần hóa giải.
Y chỉ muốn báo thù, cho nên lập tức ra tay.
Đối phó với đại địch như Nguyên Thập Tam Hạn, y vừa ra tay đã dùng đòn sát thủ.
Y và Nguyên Thập Tam Hạn đã giao đấu không chỉ một lần. Đại địch như vậy, không xuất ra quân bài sát thủ thì không thể chiến thắng.
Nhưng tuyệt chiêu sát thủ thông thường không chỉ giành được thắng lợi, còn phải lấy mạng kẻ địch, nếu không thì phải dâng mạng của mình.
Nhưng khi những võ công khác khó có hiệu quả, dây dưa vô ích, chiến đấu lâu bất lợi, y muốn nhanh chóng dùng tuyệt chiêu để quyết định sinh tử. Cho nên y rút thương, mở thương.
Nguyên Thập Tam Hạn cũng nghĩ như vậy.
Ánh mắt của hắn rất đau, một sự đau đớn không phải cảm giác được, mà là thẳng vào tủy não, sâu tận tủy xương, lại lan đến tứ chi thân thể.
Gia Cát “kịp thời” chạy tới khiến cho hắn hiểu rõ, “nghi trận” mà hắn bố trí trong kinh thành đều đã bị Gia Cát tiên sinh khám phá, hơn nữa cũng nhất định đã bị công phá.
Hắn sai đám người Lê Tỉnh Đường của Thác phái, Ngôn Trung Hư của Hải phái, Trương Bộ Lôi của Lạc Anh sơn trang và Trương Sơ Phóng của Thiên minh tập kích hai đảng Phát và Mộng, cố ý tạo dựng thanh thế giống như “thế lực của Thái Kinh trong kinh đang toàn diện đoạt quyền”.
Nếu như Thái Kinh nóng lòng đoạt quyền trong võ lâm, vậy thì rất có khả năng cũng hô mưa gọi gió trong triều, thậm chí là thay đổi triều đại.
Trên thực tế, với thực lực của Thái Kinh trong triều, đã đủ “thay đổi vị trí với hoàng đế”. Cho dù hắn không ngồi lên, cũng có thể tìm một hoàng đế làm con rối để điều khiển.
Thái Kinh cũng đồng ý chuyện này. Không có sự đồng ý của hắn, Nguyên Thập Tam Hạn cũng không thể trực tiếp chỉ huy đám người Trương Bộ Lôi và Lê Tỉnh Đường.
Thái Kinh không chỉ vì muốn ủng hộ Nguyên Thập Tam Hạn bày bố nghi trận. Loại người như hắn quyết không thể vì nhỏ mất lớn, hắn chỉ vì lợi ích lớn mà hi sinh người bên cạnh hoặc trong tay, hơn nữa cũng chẳng quan tâm đó là ai. Điểm này nói lên hắn là một nhân vật chính trị, tuyệt đối không nhận lục thân, trong lòng ngũ độc, hơn nữa trên mặt không lộ thất tình (2).
Thái Kinh làm như vậy, ngoại trừ muốn thúc đẩy Nguyên Thập Tam Hạn diệt trừ kẻ thù chính trị là Gia Cát tiên sinh, một dụng ý khác chính là muốn khiến cho trong kinh hỗn loạn, càng loạn càng tốt.
Hắn ở trong kinh sư, hơn nữa còn nắm trọng binh, một khi xảy ra hỗn loạn chẳng phải là lửa thiêu tổ chim? Chuyện này đối với con chim già như hắn có chỗ nào tốt?
Thái Kinh lại muốn nó loạn. Bởi vì hắn biết hoàng đế mặc dù say mê thư pháp nữ sắc, xao nhãng triều chính, nhưng bên cạnh vẫn có một số cao nhân trung thành hết lời khuyên nhủ. Vì giữ gìn ngôi vị và lợi ích của mình, mặc dù Triệu Cát không thích nghe nhưng vẫn chịu khó lắng nghe.
Phó Tông Thư đã chết, hắn lập tức lấy lại được quyền vị thừa tướng, nhưng hoàng đế đối với hắn đã bắt đầu sinh nghi thất sủng.
Nếu như vậy, cứ làm cho đối phương loạn, khiến đối phương tự mình rối loạn.
Hắn thi hành hai chuyện song song, một là âm thầm xúi giục quân Kim xâm chiếm phía nam trên quy mô lớn, khiến trong triều sợ hãi rối loạn; hai là sai khiến các nhân vật giang hồ trong kinh thành đấu đá lẫn nhau, đe doạ sự an nguy của kinh sư.
Đến lúc này, trong triều dĩ nhiên là người người đều cảm thấy lo lắng, ngay cả hoàng đế vốn chỉ biết đắm chìm trong an nhàn hưởng lạc cũng luống cuống tay chân.
Chuyện này dĩ nhiên phải nhờ đến hắn, hắn mới là trọng thần an bang định quốc, cũng chỉ có hắn mới ổn định được cục diện hỗn loạn này.
Thái Kinh có tư tâm này, cho nên hắn ủng hộ kế sách của Nguyên Thập Tam Hạn. Đến lúc kinh kỳ đại loạn, có thể cầm chân Gia Cát tiên sinh một thời gian.
Nhưng hiển nhiên Gia Cát tiên sinh cũng không bị giữ chân trong kinh thành.
Gia Cát tiên sinh cũng nhìn thấu tâm cơ của Thái Kinh.
Thái Kinh và Triệu Cát, một vua một thần gắn bó như răng với môi, dựa dẫm vào nhau, người này cần phải có người kia.
Đổi một tể tướng khác, chưa chắc có thể khiến cho Triệu Cát muốn làm gì thì làm, muốn sao được vậy.
Đổi một hoàng đế khác, cũng chưa chắc có thể chấp nhận một vị cửu thiên tuế quan vị cực cao, hô mưa gọi gió.
Hai người bọn họ đều dựa vào đối phương, người này không thể thiếu người kia.
Gia Cát tiên sinh cũng nhìn thấu tâm cơ của Nguyên Thập Tam Hạn.
Khi Gia Cát tiên sinh biết Thiên Y Cư Sĩ tới kinh để “ám sát Thái Kinh”, cũng biết Nguyên Thập Tam Hạn nhất định sẽ không để cho Hứa Tiếu Nhất vào thành, chắc chắn sẽ chặn đánh Thiên Y Cư Sĩ.
Y cũng phải chặn đánh Nguyên Thập Tam Hạn.
Nguyên Thập Tam Hạn muốn lần lượt tiêu diệt từng người. Hắn cũng biết kẻ địch Gia Cát không dễ bị cầm châm, cho nên hắn đã mời Mễ công công đi cầm chân Gia Cát.
Theo như tin tức vừa nhận được, không phải Gia Cát còn đang ở trong kinh thành sao? Vậy thì bây giờ người tới là ai?
Là ai để lộ tiếng gió?
Là ai tiết lộ tin tức?
May mà hắn đã sớm có chuẩn bị. Ngoài mặt, Lỗ Thư Nhất và Yến Thi Nhị đều vì có chuyện nên không thể tham gia chiến dịch Điềm sơn, chỉ có Cố Thiết Tam, Triệu Họa Tứ, Diệp Kỳ Ngũ và Tề Văn Lục có thể tới. Nhưng trên thực tế, tất cả Lục Hợp Thanh Long đều đã đến.
Chỉ cần Gia Cát vừa xuất hiện, hắn sẽ dùng “Lục Hợp Thanh Long đại trận” của sáu tên ái tướng vây giết đối phương
Nhưng không ngờ, người tới không chỉ có Gia Cát tiên sinh, còn có cả Tứ Đại Danh Bổ.
Theo lý mà đoán, “Lục Hợp Thanh Long đại trận” không vây được Gia Cát là bởi vì Tứ Đại Danh Bổ đã tiếp một trận này.
Như vậy, trận đánh với Gia Cát đành phải do chính mình ra tay.
Nhưng trong lòng hắn vẫn hoài nghi, nếu như không nắm chắc tuyệt đối, Gia Cát tiên sinh và Tứ Đại Danh Bổ làm sao không trấn giữ kinh kỳ, lại dốc toàn lực đến nơi núi hoang này giao chiến với mình?
Gia Cát tiên sinh làm sao có thể nắm chắc như vậy, trừ khi là có người mật báo.
Là ai bán đứng mình, còn cả gan bán đứng tướng gia Thái Kinh?
Cho dù như thế nào, Gia Cát tiên sinh cũng đã tới.
Nguyên Thập Tam Hạn chờ đợi trận chiến này đã lâu.
Tất cả đã không cần phải nói, nói cũng vô ích. Bây giờ bọn họ chỉ cần giao đấu, không cần giải thích.
Vì vậy Nguyên Thập Tam Hạn cũng rút tên ra.
Tên trong túi của hắn chỉ còn hai mũi.
Hắn rút tên, đặt lên trên nỏ.
Sau đó tên lại biến mất.
Hai đại cao thủ, hai kẻ thù xưa, một người lấy thương ra, một người đặt tên lên, lại sắp giao chiến một trận long trời lở đất, kinh hãi quỷ thần.
Lão Lâm thiền sư rung động, bởi vì hai người ở trước mặt y sắp quyết chiến đẫm máu với nhau.
Ánh trăng phản chiếu lên trên người bọn họ, một người như thần, một người như ma.
Bất kể là thần hay ma đều đáng sợ hơn so với quỷ.
Đó là một bầu không khí thê lương như trời đất phai mờ, nhân gian thảm thiết.
Khi chính tà quyết chiến, sát lực của nó đã không chính không tà, cũng không từ không bi.
Lão Lâm hòa thượng chỉ nhìn thấy hai hào kiệt như điên, mà hai người này chỉ có một con đường để đi, đó là quyết một trận tử chiến.
Giữa bọn họ chỉ một người có thể sống.
Cho dù những năm qua là chính hay tà, trải qua bao nhiêu gian khổ, đạo giảm ma tăng hay là đạo tăng ma giảm, bọn họ vẫn còn sống, kiên cường sống sót để khiến đối phương tử vong bỏ mạng.
Tên đã lên dây, thương đã sáng ngời.
Lòng người thì sao?
Tâm yếu ớt có thể trải qua được tên xuyên hay không?
Người thì sao?
Thân thể suy nhược làm sao chịu được thương đâm vào?
Chú thích:
(1) Điển tích trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, kể về chuyện Gia Cát Lượng bảy lần bắt được Mạnh Hoạch rồi lại thả.
(2)
Lục thân bao gồm: bố, mẹ, anh, em, vợ, con.
Ngũ độc bao gồm: bò cạp, rắn, rết, thạch sùng và cóc.
Thất tình bao gồm: vui, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, ham muốn.