[Dịch] Hám Đường
Đến giữa trưa, Dương Hựu vẫn ở lại đại doanh Tây Uyển, cùng Lý Tĩnh ăn cơm quân đội.
Dương Hựu rất bất mãn, cũng không phải vì hắn ghét bỏ cơm nước trong quân, mà là vì quá ít thịt. Các binh sĩ huấn luyện mỗi ngày đã vất vả vô cùng, cần phải bổ sung lượng lớn dinh dưỡng mới có thể ngày càng cường tráng hơn. Dương Hựu hiểu thời đại này rất nhiều người bị bệnh quáng gà, dân gia gọi là "tước mông nhãn". Người mắc bệnh này về đêm sẽ không nhìn thấy rõ đồ vật.
Phần lớn người mắc bệnh này cũng không phải thật sự là bệnh, mà là do ít ăn thịt, nên bị thiếu vitamin A. Đương nhiên các loại đồ ăn khác như trứng gà, đậu nành cũng có, chỉ là không nhiều như trong thịt mà thôi.
Ăn qua loa xong cơm trưa, Dương Hựu trầm tư, làm thế nào để cải thiện cơm nước của binh sĩ. Lý Tĩnh cũng không có cách gì, bây giờ Quan Trung hỗn loạn tưng bừng, gà vịt thịt cá rất ít, mỗi bữa cơm trong quân có thể có 1 miếng thịt 2 lạng đã là rất tốt. Phải biết là bách tính bình thường trong thành Đại Hưng vẫn không có thịt mà ăn!
Mà ở Trung Nguyên Hà Bắc lại càng thê lương. Đối với bọn họ mà nói có được một bữa cơm no đã là mộng tưởng xa vời. Thịt? Ăn thịt người đi! Chu Sán ở Nam Dương chính là làm như vậy.
Ngồi trong đại trướng, Dương Hựu thương nghị cùng Lý Tĩnh.
"Lý tướng quân, quân nhu binh trong quân còn có một số binh sĩ tàn tật, nếu như không có nhà để về, ta thấy không ngại để cho bọn họ tăng gia sản xuất đi. Bách tính không có năng lực thì trong quân tự làm, nghĩ cách nuôi gà nuôi cá. Các binh sĩ không có thịt ăn thì thân thể sao có thể tráng kiện, không tráng kiện làm sao đánh trận?" Dương Hựu chậm rãi nói.
Lý Tĩnh cũng đang trầm tư. Mặc dù y không biết liên quan giữa chứng quáng gà với chuyện ăn thịt, nhưng y hiểu rõ người ăn thịt sẽ khỏe mạnh, giống như người Đột Quyết không ăn gạo không ăn bánh, thích ăn thịt dê bò thì thân thể lại đặc biệt cường tráng, rất dũng mãnh.
Thời đại này, thịt heo vẫn chưa lên được chỗ thanh nhã, người ta nói vẻ ngoài heo xấu xí, quái dị, tính tham lam, ngu dốt, cho nên không ăn nó, hầu hết đều ăn thịt dê. Dương Hựu hơi cảm thấy kỳ quái, nhưng hắn hiểu trò này giống như nghi thức tôn giáo, tạm thời không nên đụng đến, cho nên từ bỏ ý nghĩ nuôi heo.
Dương Hựu suy nghĩ hồi lâu, quyết định mở một mảnh đất ở Tây Uyển dùng để chăn gà nuôi cá, tận lực cải thiện cơm canh của binh sĩ. Đây là một biện pháp tạm thời, trị ngọn không trị gốc, sau này còn phải cổ vũ dân gian nuôi gà thả cá mới có thể thỏa mãn nhu cầu, thậm chí thu mua lượng lớn dê bò từ Đột Quyết.
Nhưng giờ phút này dĩ nhiên chưa được. Chưa bình định Quan Trung, nuôi động vật sẽ chỉ khiến bọn người Lý Tú Ninh chiếm tiện nghi, khả năng duy nhất là chăn nuôi trong quân.
Quyết định xong mọi việc, đến giờ Mùi Dương Hựu lại ra xem binh sĩ huấn luyện. Lần này Lý Tĩnh chia 1000 binh sĩ làm 2 đội, mỗi đội có 200 cung nỗ thủ, 150 trường thương binh cùng 150 đao thuẫn binh do Lý Tĩnh và phó tướng dẫn đội, tiến hành diễn luyện một trận công thủ.
Dương Hựu ngồi trên điểm tướng đài chăm chú quan sát, trong lòng lại vừa trầm tư, vừa gật đầu.
Ban đầu chỉ thấy Lý Tĩnh dùng cung nỗ thủ áp chế hỏa lực của đối phương, sau đó phái ra chiến trận do trường thương binh cùng đao thuẫn binh tạo thành, đánh úp binh sĩ của phó tướng, đánh quân địch đến hoa rơi nước chảy. Hiển nhiên trong lúc nhất thời phó tướng không cách nào ứng phó, sau khi chiến trận bị phá tan, cung nỗ thủ chỉ có thể bị giết một trận.
Tiếp theo, Lý Tĩnh cùng phó tướng lại tiến hành đối kháng bằng kỵ binh. Đối kháng bằng nhiều binh chủng, Lý Tĩnh lại toàn thắng phó tướng. Nhìn đến đây, Dương Hựu không nhịn được vỗ tay. Sau đó, hắn lại nghĩ đến một vấn đề.
Thật sự mà nói ở thời đại vũ khí lạnh, nếu luận lực trùng kích thì kỵ binh, đặc biệt là kỵ binh hạng nặng là lợi khí xung trận, nhưng kỵ binh hạng nặng lại có khuyết điểm vô cùng lớn. Đầu tiên là chiến mã nhất định phải cường tráng, không thì khó mà chở nổi người kỵ sĩ mặc giáp nặng. Phải biết là một người binh sĩ nặng khoảng 150 cân, cộng thêm áo giáp chừng 7-80 cân, là khoảng hơn 200 cân. Đây là một tải trọng rất lớn đối với chiến mã. Nếu chiến mã không đủ khỏe mạnh, sẽ không thể chịu đựng, đừng nói tới chuyện chạy liên tục.
Thứ hai, mặc dù lực trùng kích của kỵ binh hạng nặng rất mạnh, nhưng năng lực tác chiến liên tục cùng tính cơ động rất kém. Một khi chiến mã mỏi mệt, thì sẽ không thể công kích, không thể phát huy uy lực.
Vì vậy trong lịch sử, từ thời Nam Bắc triều về sau, kỵ binh hạng nặng dần dần lui khỏi võ đài lịch sử của Trung Quốc. Người Kim đã từng có Thiết Quải Tử Mã, nhưng gặp phải bộ binh hạng nhẹ của Nam Tống đã bị thiệt lớn.
Thứ ba, yêu cầu đối với chiến sĩ cũng cực cao. Một người thân thể gầy yếu làm sao có thể gánh vác áo giáp nặng nề đây? Đây cũng là nguyên nhân cung nỗ thủ không mặc áo giáp, cùng lắm thì mặc áo giáp da, để tiết kiệm thể lực, nhờ đó có thể bắn thêm mấy mũi tên, tiêu diệt thêm mấy địch nhân.
Thứ tư, kỵ binh hạng nặng vô cùng tốn kém. Đồng thời do trình độ luyện kim khiến cho phí tổn áo giáp đắt đỏ. Ngoài ra còn có nuôi ngựa, giữ gìn trang bị v.v... yêu cầu lượng lớn tiền tài. Nếu như không có quốc lực sung túc thì không thể nào gánh vác.
Thành Đại Hưng không có nhiều kỵ binh, tính đi tính lại chỉ có 1 vạn, mà phần lớn đều là kỵ binh nhẹ. 1 vạn kỵ binh nhẹ này đối phó với Lý Tú Ninh thì đủ, nhưng đối mặt Tiết Cử thì 1 vạn kỵ binh còn chưa đủ cho y nhét kẽ răng. Nên biết Lũng Tây là nơi nuôi ngựa của Đại Tùy. Tiết Cử chiếm Lũng Tây, có được 10 vạn kỵ binh. 1 vạn kỵ binh đối phó với 10 vạn kỵ binh, chỉ cần tướng lĩnh đối phương không phải người ngu, thắng bại trong trận này đã được quyết định.
Vấn đề là Tiết Cử là kiêu hừng một thời, không phải mãng phu, tuyệt không phải người ngu. Nếu như y là tên nhi tử Tiết Nhân Quả kia cả người man lực, danh xưng vạn nhân địch thì có thể thực hiện chút mưu kế, thậm chí nhiều mưu kế nữa là khác.
Dương Hựu muốn bình định Quan Trung, nhất định phải đánh một trận với Tiết Cử. Làm thế nào đối kháng với tinh kỵ Lũng Tây là một vấn đề đau đầu, nhưng nếu không thể giải quyết vấn đề này, Dương Hựu không thể nào yên thân ở Quan Trung. Tiết Cử ôi Tiết Cử, thật đúng là một gia hỏa đau đầu.
Ở tình huống Dương Hựu thiếu khuyết chiến mã, chỉ có thể tăng thêm số lượng cùng chất lượng cung nỗ thủ mới có thể tinh kỵ Lũng Tây của Tiết Cử. Lúc này Dương Hựu lại nghĩ tới Lý Cương, bây giờ Lý Cương đã đến trong doanh Tiết Cử chưa? Y có thể thuyết phục Tiết Cử sao?
Dương Hựu thở dài. Lúc này sắc trời đã ảm đạm, bất tri bất giác một ngày đã qua. Đại doanh Tây Uyển của quân Tùy đã đốt đuốc, đám binh sĩ quân nhu doanh đã nấu cơm xong, khắp nơi trong đại doanh toàn là mùi thơm của cơm.
Bởi vì có Dương Hựu đến nên nhà bếp làm cơm canh tốt hơn rất nhiều. Các binh sĩ ăn bữa này vô cùng vui vẻ. Dương Hựu lại căn dặn Lý Tĩnh, sẽ phát lượt tiền tiếp theo, nghĩ cách mua thêm các loại thịt, nhất định phải dưỡng tốt các binh sĩ. Ăn xong bữa tối, lúc này Dương Hựu mới dẫn bọn người Độc Cô Thiên Sơn thúc ngựa về hướng thành Đại Hưng.
Về đến thành Đại Hưng thì sắc trời đã tối hẳn. Dương Hựu đi thẳng đến ngự thư phòng, cầm lấy mấy bản tấu chương nhìn qua một chút, cũng không có chuyện gì trọng yếu, trong tấu chương chủ yếu là quân tình của Lý Uyên ở Hà Đông, Lý Tú Ninh ở Quan Trung.
Lý Uyên vẫn đang ở Hà Đông, Lý Tú Ninh vẫn đang ở huyện Hộ. Tất cả đều rất yên tĩnh, rất khiêm tốn.
Lý Uyên yên tĩnh Dương Hựu cũng không thèm để ý, hắn chỉ để ý sự yên tĩnh của Lý Tú Ninh. Sau trận Lam Điền Lý Tú Ninh bị sinh non, mất đi hài tử. Dưới tình huống như vậy mà nàng cũng giống như lão hồ ly Vệ Huyền, có thể khắc chế lửa giận trong lòng. Sự kiên nhẫn này khiến Dương Hựu rất tán thưởng.
Chắc chắn là Lý Tú Ninh đang có kế hoạch gì đó. Dương Hựu nghĩ đến đây, thầm cười trong lòng, cũng đã đến thời điểm động thủ. Địch nhân này cũng không thể thả không, dĩ nhiên cần phải đánh đổi một số thứ chứ nhỉ?
Huyện Hộ.
Mặc dù Lý Tú Ninh nhìn có vẻ yên tĩnh, nhưng thật ra nhờ trinh sát cùng mật thám trong thành Đại Hưng, tình huống trong thành nàng nắm rõ như lòng bàn tay.
Nàng hiểu Dương Hựu sau khi tiêu diệt Vệ Huyền đã khống chế được thành Đại Hưng trong tay, trước mắt đang tích cực luyện binh. Điều này khiến Lý Tú Ninh cảm giác được nguy cơ thật sâu. Cảm giác nguy cơ này không chỉ do binh lực thành Đại Hưng tăng thêm cùng với quân dân một lòng, mà còn do lương thực trong quân không đủ.
Lúc này, thân thể Lý Tú Ninh cơ bản đã hồi phục như xưa, đang dạo bước trong sân, suy nghĩ hành động kế tiếp, làm thế nào giải quyết nguy cơ lương thực. Không bao lâu nữa sẽ đến mùa đông, thời tiết sẽ lạnh dần, đến lúc tuyết lớn ngập núi thì lương thực sẽ càng khó tìm hơn.
Dân xem cái ăn bằng trời, ba quân không có lương thực, làm sao đánh trận?
Đúng lúc này, Mã Tam Bảo đi đến bên cạnh Lý Tú Ninh, thấp giọng thì thầm. Lý Tú Ninh lấy làm kinh hãi, nói: "Ngươi thấy rõ ràng người kia là do Dương Hựu phái đến?"
Mã Tam Bảo khẳng định mười phần. Mặt y ửng đỏ, nói: "Tiểu thư, từ khi Sử Vạn Bảo trở về, ta vẫn luôn phái người theo dõi hắn. Vài ngày trước đúng là không có chuyện gì, nhưng tối hôm qua có một người lén lúc tiến vào trong nhà Sử Vạn Bảo, ở đó suốt 2 canh giờ. Đến giờ Tý, Sử Vạn Bảo phái người đưa người kia ra khỏi huyện Hộ."
Lý Tú Ninh cau mày, mặc dù nàng không tin Sử Vạn Bảo thông đồng với địch, nhưng tất cả mọi chuyện đều cực kỳ quỷ dị khiến cho Lý Tú Ninh không thể không hoài nghi.
Lúc Sử Vạn Bảo tấn công huyện Lam Điền, bản thân bị trọng thương, Dương Hựu chẳng những không giết y, ngược lại trị liệu tỉ mỉ, không lâu sao lại không đòi một chút chỗ tốt gì đã thả Sử Vạn Bảo trở về. Bởi vì có vết xe đổ của Lý Trí Vân, Lý Tú Ninh cho rằng đây nhất định là Dương Hựu giảo hoạt cố ý làm phân liệt nghĩa quân.
Nhưng giờ phút này, Dương Hựu phái người đến phủ của Sử Vạn Bảo. Chẳng những Sử Vạn Bảo không bắt người này lại, mà còn phái người tiễn y ra khỏi thành. Ắt là có vấn đề rất lớn. Hơn nữa, trọn một ngày rồi Sử Vạn Bảo cũng không đến báo cáo, e là có âm mưu gì trong đó.
Mã Tam Bảo trông thấy vẻ mặt Lý Tú Ninh âm tình bất định, bèn nói: "Tiểu thư, chi bằng giết hắn đi, chấm dứt hậu hoạn."
Lý Tú Ninh trầm ngâm. Nàng lắc đầu, nàng một mực không động đến Sử Vạn Bảo, thứ nhất là vì tin tưởng y, thứ hai - là điều quan trọng nhất - nếu như nàng giết chết Sử Vạn Bảo e rằng sẽ gây nên hỗn loạn trong nghĩa quân. Người khác sẽ nghĩ, Đại vương bắt được địch nhân không giết, Lý Tú Ninh nàng lại lấy tội danh "mạc tu hữu" (có lẽ có) sát hại đại tướng. So sánh như vậy, người nào mới đáng giá trung thành?
Trầm tư một lát, nàng nói: "Tam Bảo, ngươi nghĩ cách tìm chứng cứ Sử Vạn Bảo thông đồng với địch, uhm, tốt nhất là tìm hiểu rõ hắn cùng tiểu tặc Dương Hựu cấu kết chuyện gì, muốn làm những gì."
Hai mắt Mã Tam Bảo tỏa sáng. Y lập tức minh bạch ý nghĩ của Lý Tú Ninh. Y gật đầu, đáp ứng rồi đi ra cửa.
Lý Tú Ninh chậm rãi bước mấy bước, đi đến một cái cầu nhỏ, ánh mắt nhìn về hướng đông bắc. Giờ khắc này đại quân của phụ thân rốt cuộc đã đến nơi nào? Lúc nào mới có thể giết vào Quan Trung, tiến hành giáp công thành Đại Hưng?